Nghề nuôi cá chình đang phát triển mạnh ở Vinh Mỹ, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế). Năm 2010, toàn xã chỉ có 15 hộ nuôi thì đến đầu năm 2016, số hộ nuôi cá chình đã lên đến con số 46.
Lắm khó khăn
Năm 1998, người dân ở xã Vinh Mỹ bắt đầu tiếp cận nghề nuôi cá chình. Cách đây vài năm, chỉ một số hộ dân nuôi được vì đây là giống cá khó tính, chưa chủ động được nguồn giống. Theo chân anh Lê Văn Lộc, người sở hữu 140m2 bể nuôi cá chình, chúng tôi mới được biết nghề này cũng lắm gian khó. “Phải đảm bảo đầy đủ dưỡng khí cho cá, nhiệt độ nước luôn ổn định từ 25 - 28o C, nếu trên 30o C, cá sẽ bỏ ăn”, anh Lộc cho biết. Nhìn những lớp lưới dày thường dùng để ươm lan phủ trên bể cá, chúng tôi thấy rõ sự cẩn thận của người nuôi. “Khi trời nắng nóng, chúng tôi sẽ che hai lớp lưới, trời râm mát thì chỉ một lớp” – anh Lộc nói.
Anh Trương Văn Tuất (phải) kiểm tra, phân loại cá nuôi trong bể
Ngoài việc đảm bảo môi trường bể nuôi, điều khó khăn nhất là nguồn vốn đầu tư khá lớn. Với mật độ thả giống 5 con/m2, chi phí để xây bể và mua con giống là 1 triệu đồng/1m2, đó là chưa kể các chi phí khác như tiền mua thức ăn hằng ngày, tiền chạy máy sục khí... Không những thế, vì sinh trưởng khá chậm nên thường khoảng 1 năm, người nuôi loài cá này mới có thể xuất bán.
Cùng nhau nuôi cá
Để phát triển nghề nuôi cá chình tại địa phương, hỗ trợ vay vốn đầu tư, tập huấn khoa học kỹ thuật, tổ chức đi tham quan học hỏi. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang có hướng nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích nuôi cá chình. Trong tương lai, chúng tôi ủng hộ việc nuôi cá chình theo mô hình công nghiệp nhằm tăng năng suất và chất lượng”.
Anh Trương Văn Tuất, một thanh niên 21 tuổi của xã Vinh Mỹ đã mạnh dạn vay vốn 42 triệu đồng và vận động nguồn vốn của người thân để xây dựng bể nuôi cá chình. Anh chia sẻ: “Tôi bắt đầu nuôi cá chình từ tháng 2 năm 2015, ban đầu nhiều người không đồng tình vì nghĩ tôi còn trẻ, một mình làm ăn không được. Nhưng nhờ anh Lê Văn Lộc động viên, chia sẻ cách thức nuôi cũng như được hỗ trợ vay vốn, tôi tự tin với việc đầu tư nuôi cá chình của mình”.
Anh Tuất là một trong nhiều hộ quyết định nuôi cá chình trong thời gian gần đây. Từ diện tích vài trăm mét vuông, hiện nay, toàn xã Vinh Mỹ có đến 1,5ha mặt nước nuôi loài này. Hiện giá bán của cá chình lên đến 550.000/kg. Với diện tích 140m2, thu nhập của anh Lộc đạt trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, anh Lộc cũng đang phát triển việc nuôi cá giống cung cấp cho bà con trong vùng; đầu tư xây bể nuôi cá chình diện tích 60m2 theo phương pháp công nghiệp. Với việc chủ động được nguồn giống chất lượng tốt, sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương, nghề nuôi cá chình ở xã Vinh Mỹ sẽ ngày càng phát triển.
Bệnh phổ biến nhất của cá chình là nấm ngoài da do môi trường nước không đảm bảo vệ sinh. Hằng ngày người nuôi cá phải vệ sinh bể. Việc cho ăn cũng phải đảm bảo giờ giấc nhất định, thường cho ăn vào lúc sáng sớm và chiều muộn...
Mai Huế
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 21/01/2016