Tôm sông Lam hiện là đặc sản được người tiêu dùng ưu chuộng do đặc điểm thơm ngon, thịt chắc lại an toàn thực phẩm. Đánh bắt tôm cá trên sông là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân sống ven đôi bờ sông. Hiện nay, để bắt tôm, người dân sử dụng đụt, cả lưới "bát quái" và nguồn tôm đang cạn...
Theo ông Ngũ Văn Sinh, Khối trưởng khối 6 thị trấn Thanh Chương, người đã gắn bó cả cuộc đời với sông nước cho biết: tôm là loài thủy sản có rất nhiều trên sông Lam, nhất là ở những khúc sông sâu có nhiều bờ bụi, ghềnh đá, hang hốc và tôm đã nuôi sống cả đời nhiều gia đình làm nghề.
Người dân Thanh Chương dùng lưới bát quái đánh bắt tôm. Lưới lồng hình chữ nhật, có cửa kiểu như giỏ hoặc lờ để tôm chui vào và không có đường ra.
Thả lưới mắt nhỏ đánh tôm trên sông Lam làm cho tôm nhỏ bị đánh bắt kiểu tận thu.
Đụt cũng là một loại dụng cụ có hình thù như một cái ống dùng để bắt tôm. Trong ảnh: Những chiếc đụt được ông Trần Văn Đường ở thôn 3 Thạch Sơn (Anh Sơn) dùng để bắt tôm sông.
Ngày trước tôm nhiều, mỗi ngày người khai thác tôm có thể khai thác được 5 - 10kg tôm một ngày, nhưng nay tôm ít dần, thu hoạch chủ yếu là tôm cỡ nhỏ. Trong ảnh là sản phẩm đánh bắt trong ngày của một người dân Anh Sơn.
Những năm gần đây tôm, cá trên sông Lam ít dần và tôm trở thành đặc sản.
Tôm sông Lam có đặc điểm là mình thon, càng dài, thịt săn chắc, thơm ngon.
Một con tôm lớn hiếm hoi được bắt từ Sông Lam do ông Trần Đình Hậu, xã Thanh Chương đánh bắt được. Mỗi ngày từ nghề khai thác tôm cũng cho ông thu nhập vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, ông cũng như nhiều người dân dọc sông lo lắng khi nguồn nước sông cạn hơn trước, trong khi nghề đánh bắt vẫn diễn ra hàng ngày...
Đình Hà - Trang - Kiên
Nguồn tin: Báo Nghệ An, 25/04/2016