Trước tình trạng khai thác thủy sản trái phép diễn ra phức tạp, ngoài sự chỉ đạo và triển khai truy bắt mang tính định kỳ của chính quyền, sự chung sức của từng cá nhân, chi hội nghề cá, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm Cầu Hai.
Tình trạng đánh bắt bằng hình thức xung điện vẫn còn ở Phú Lộc
Phức tạp
Năm 2010, quy hoạch lại nò sáo trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được thực hiện. Qua hơn năm năm, theo đánh giá của ông Mai Văn Xỉ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), nguồn thủy sản trên đầm Cầu Hai tăng lên rất nhiều. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt thủy sản trên đầm phá của người dân cải thiện so với trước đây. Nhưng tình trạng khai tác trái phép, tận diệt cũng tăng lên.
Tại nhiều xã của huyện Phú Lộc, tình trạng khai thác thủy sản trái phép bằng các hình thức tận diệt diễn ra phức tạp. Ông Nguyễn Khoai, Chủ tịch Chi hội Nghề cá xã Vinh Giang cho biết: “Khai thác trái phép diễn ra tinh vi, chủ yếu vào ban đêm. Những tháng hè, thời gian hoạt động thường bắt đầu vào khoảng 2 giờ sáng, mùa đông thì sớm hơn. Để bắt được các đối tượng này không phải dễ. Công suất thuyền của các đối tượng lớn, trong tư thế chạy thoát thân nên dù đã phát hiện nhưng truy đuổi không kịp. Khi truy đuổi kịp, nếu có ít thành viên thì các đối tượng này sẽ chống trả, nên mỗi lần ra quân phải trên 20 thành viên. Không dừng ở đó, một số thành viên tham gia vây bắt sau đó bị trả thù bằng nhiều hình thức, nên khi đi phải hóa trang, che số thuyền…Dù vậy, vừa qua, chi hội đã bắt được 3 đối tượng”.
Cũng theo ông Nguyễn Khoai, các đối tượng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt từ các địa phương khác đến. Địa bàn hoạt động giáp ranh giữa các xã, nếu địa phương này tiến hành kiểm tra thì các đối tượng di chuyển qua địa bàn khác để khai thác.
Ông Nguyễn Chu, cán bộ địa chính, phụ trách nông, lâm, thủy sản xã Lộc Điền thừa nhận: “Hiện xã vẫn còn 17 miệng đáy đang hoạt động ở cửa biển Tư Hiền. Với nhiều người ở Lộc Điền, nghề sông nước là nghề truyền thống và mưu sinh chính. Biết đặt đáy không cho phép, nhưng vì cuộc sống của các hộ này nên xã linh động quy hoạch cho khai thác gần bờ, không được đặt đáy ở luồng lạch giữa cửa biển, ảnh hưởng đến hướng di chuyển của thủy sản từ cửa biển vào đầm phá”.
Trong khi đó, tại xã Vinh Hiền, qua nhiều đợt thanh tra hầu hết các hộ vi phạm trên địa bàn đều đã chấp hành. Tuy nhiên, có một trường hợp làm nghề đặt đáy ở cửa biển Tư Hiền vẫn ngang nhiên vi phạm, dù chính quyền xã nhiều lần nhắc nhở, tiến hành cưỡng chế. Ông Mai Văn Xỉ cho biết, huyện có nhận công văn của xã Vinh Hiền yêu cầu can thiệp, phối hợp xử lý. Huyện và phòng đã về làm việc, bước đầu hộ gia đình này chấp hành và cam đoan sẽ tháo dỡ sớm.
Bảo vệ “miếng cơm”
Theo ông Nguyễn Khoai, từ khi thực hiện quy hoạch nò sáo trên Cầu Hai, nguồn lợi thủy sản ở Vinh Giang không ngừng tăng lên. Các giống cá con như cá dìa, cá nâu, cá kình… có giá trị kinh tế cao từ cửa biển di chuyển lên sinh sống ở vùng Vinh Giang. Tất cả các thành viên của chi hội thống nhất bảo vệ nguồn lợi thủy sản chính là bảo vệ “miếng cơm” của mình. Vì vậy, không ai khai thác bằng hình thức hủy diệt, số lượng lừ không vượt quá 70 cái trên một hộ, vừa khai thác vừa tạo điều kiện cho thủy sản tiếp tục phát triển để khai thác lâu dài và bền vững.
Ông Trương Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Giang cho biết: “Xã đã giao trách nhiệm, quyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo diện tích mặt nước cho chi hội nghề cá xã. Chi hội sẽ có toàn quyền kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Vinh Giang mới được dự án Luxembourg hỗ trợ cho một chiếc thuyền tuần tra có công suất 9 mã lực. Với chiếc thuyền này, nếu tiến hành truy đuổi các đối tượng khai thác trái phép chắc chắn sẽ bắt được”.
Ông Mai Văn Xỉ khẳng định: “Ngoài biện pháp mang tính lâu dài khi thành lập được 10 khu bảo vệ thủy sản với diện tích 293ha, công tác thanh kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm sẽ được triển khai mạnh hơn nữa. Kiên quyết buộc các hộ vi phạm phải tháo dỡ nò sáo, đáy miệng. Chỉ khi làm tốt công tác bảo vệ thì nguồn lợi thủy sản mới sinh sản và tạo sự đa dạng cho đầm phá”.
Tính hết tháng 5/2016, tổ kiểm tra của huyện Phú Lộc đã phát hiện 210 trường hợp vi phạm quy hoạch phân vùng khai thác thủy sản ở đầm phá, gồm: Chắn lưới thu tép ven bờ 185 trộ (Lộc Điền 75 trộ, thị trấn Phú Lộc 85 hộ, Lộc Trì 25 hộ); đặt đáy miệng (Vinh Hiền 8 miệng, Lộc Bình 14 miệng (đã tháo dỡ xong); thu 3 trộ sáo ở Vinh Hiền.
Đức Quang
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 08/06/2016