Trong khi dân vùng bãi ngang ở một số địa phương đang lo lắng trước một mùa biển khó khăn thì những ngư dân vùng cửa biển Thuận An, Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), Hải Dương (thị xã Hương Trà) đang được lộc biển nhờ mùa cá rò đầy ghe…
Niềm vui của ngư dân Thuận An được mùa cá rò
Trắng đêm đón lộc
Tầm 17 - 18 giờ những ngày này, vùng cửa biển ở thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An), nhìn qua bên kia thôn Thai Dương Hạ Nam (xã Hải Dương) tấp nập ngư dân dùng ghe thuyền ra đặt đáy rớ, đánh lưới đối, lưới kến bắt cá rò. Trước một mùa biển khó khăn, chưa bao giờ thấy những làng chài nhộn nhịp như thế. Ngư dân bắt cá từ chiều tối đến 12 giờ đêm, được thương lái vào tận nơi thu mua cá làm giống bán cho chủ hồ nuôi cá thương phẩm ở các địa phương Phú An, Quảng Công hoặc bán cho các chủ cơ sở làm mắm cá rò. Từ 0 giờ trở đi, ngư dân đưa ghe vào cửa phá Tam Giang, tiếp tục khai thác cá rò cho đến sáng.
Ông Huỳnh Xưởng (thôn Hải Tiến) cho biết: “Mọi năm cá rò từ cửa biển Thuận An vào sớm hơn, tầm tháng 3 (DL). Năm nay, không biết con nước triều thế nào mà tháng 5 cá rò mới xuất hiện, nhiều vô kể. Thời gian này khai thác gần bờ khó khăn, mùa cá rò về ngư dân bán tươi ngay điểm khai thác cho các chủ hồ, chủ cơ sở làm mắm, tạo công ăn việc làm cho cả trăm lao động”. Ngồi canh lưới, chốc chốc, ông Xưởng cùng vợ ra kéo lưới, cất đáy rớ. Mỗi mẻ cá vào bờ, ông đưa lên sát lạch cửa, ươm nuôi ngay tại vuông lưới nhà mình chờ thương lái tới mua. Gia đình ông Xưởng mấy hôm nay cả hai vợ chồng, huy động thêm hai người con trai, đánh bắt từ chiều tối cho đến sáng, kiếm được gần cả tạ cá rò. Với giá bán mỗi rá cá giống (2kg), 500 nghìn, gia đình ông Xưởng kiếm được mấy chục triệu đồng.
Bình quân mỗi hộ dân khai thác cá rò ở Thuận An, Hải Dương kiếm được vài chục triệu đồng
Theo nhiều ngư dân, từ chiều ngày 7/5 đến nay, cá rò theo con triều dạt vào gần cửa khá nhiều, ngư dân cứ đặt lưới, đáy rớ mà đánh bắt nhiều không xuể. “Biển lành rồi, con nước sạch cá rò mới vô. Tuy muộn hơn mọi năm, nhưng cá năm nay “già” to hơn mùa vụ trước, thương lái đặt mua không kịp mà bán”, ngư dân Huỳnh Quang Tiến, nói như lời tri ân biển.
Ông Hà Thanh Hoài, Cán bộ phụ trách thủy sản thị trấn Thuận An cho biết: “Các thôn Hải Tiến, An Hải có hơn hai mươi hộ dân theo nghề đáy rớ, chuyên khai thác cá rò mỗi mùa vụ. Năm nay, khai thác gần bờ gặp khó khăn, cá ít người mua trong khi giá lại thấp. Mùa cá rò không chỉ cung cấp nguồn giống phong phú cho các chủ hồ nuôi, nguyên liệu cho các chủ lò mắm trên địa bàn mà còn tạo công ăn việc làm, giúp bà con kiếm thêm thu nhập trong giai đoạn khó khăn như hiện nay”.
Ngư dân phấn khởi gặp mùa cá rò
Vùng biển thôn Thai Dương Hạ Nam (xã Hải Dương), Tân An (xã Phú Thuận) mấy hôm nay ngư dân cũng rất phấn khởi khi được mùa cá rò. Nhiều ngư dân còn “tức thời” sắm thêm ngư lưới cụ để theo mùa cá mới. “Mỗi tay lưới kến, lưới đối giá 1,5 - 2 triệu đồng, mình đầu tư cũng không phung phí. Hết mùa cá rò, ngư dân có thể xoay sang đánh cá cơm, cá kến, cá sơn cũng được”, ngư dân Nguyễn Noi (thôn Tân An, xã Phú Thuận) nói chắc nịch. Tuy cá rò từ cửa vào, qua bao mẻ lưới vẫn về phía “hạ nguồn” cho ngư dân Tân An đánh bắt. Toàn thôn có 26 hộ theo nghề đáy rớ. Mấy hôm nay, hai cha con ngư dân Nguyễn Toàn, Nguyễn Noi thu được 15 - 20 triệu đồng từ việc khai thác cá rò bán giống.
Cần kiểm nghiệm thêm
Mùa cá rò, mang lộc biển là niềm vui cho ngư dân bãi ngang. Tuy nhiên, phản ứng giữa các địa phương vẫn còn khá lúng túng trong việc chứng minh nguồn gốc “cá sạch”, cho loài cá “đặc sản” theo mùa vụ này. Ông Hà Thanh Hoài, Cán bộ phụ trách thủy sản thị trấn Thuận An khẳng định: “Mùa vụ năm nay cá rò nhiều hơn những vụ khác, có lẽ tùy theo nguồn nước. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, cá rò sinh sản ở tầng nước ngoài, rất sạch. Khi cá rò lớn lên thì theo con triều vào cửa lạch được ngư dân đánh bắt nên cá an toàn. Hiện nay, ngoài cung cấp nguồn cá giống cho các chủ hồ, cá rò còn là nguyên liệu của những cơ sở làm mắm nổi tiếng ở địa phương”. Bà Trương Thị Lệ, chủ cơ sở chế biến hải sản Bà Lệ ở thôn An Hải (Thuận An) cho biết: “Bình quân mỗi mùa cá rò, tui thu mua chừng 3-4 tấn làm mắm. Do thời gian này cá biển có biến động nên cơ sở cũng dè dặt thu mua loài này. Để yên tâm sản xuất chúng tôi mong sớm có ý kiến của cơ quan chức năng”.
Thận trọng hơn, xã Hải Dương, vẫn khuyến cáo người dân trong việc sử dụng cá rò trong thời điểm này. Ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương nhìn nhận: “Từ ngày 7/5, hàng chục ngư dân ở Thai Dương Hạ Nam trúng mùa cá rò là tín hiệu vui trong giai đoạn nghề biển còn khó khăn. Ngoài bán cá giống, địa phương cũng khuyến cáo các cơ sở chế biến mắm cá rò trên địa bàn khi sử dụng loại cá này làm nguyên liệu chế biến mắm. Đồng thời, xã đã kiến nghị chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, về lấy mẫu cá rò kiểm tra, nhằm có kết luận cụ thể, thông tin cho người dân yên đánh bắt, khai thác và tiêu thụ”.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh khẳng định: “Trước thông tin ngư dân được mùa cá rò, chi cục sẽ cử đoàn cán bộ về lấy mẫu cá ở các điểm như Thuận An, Hải Dương, để test xem có trong ngưỡng an toàn không. Dự kiến trong tuần này sẽ có kết quả, thông tin đến địa phương cũng như ngư dân”. Cũng theo ông Bình, riêng mẫu nước trong tuần này đã có đoàn của Bộ KH&CN vào kiểm tra ở các địa phương trên.
Ngư dân bãi ngang gặp khó
“Trước khuyến cáo hạn chế khai thác, tiêu thụ hải trong tầm 20 hải lý trở vào đang khiến ngư dân vùng bãi ngang đối diện với một mùa vụ khó khăn do cá đánh bắt không bán được, giá thấp. Xã có trên 200 phương tiện khai thác gần bờ, với công suất thuyền máy từ 18-24CV, nhưng hiện nay chỉ một vài ngư dân ra khơi”, ông Hoàng Trọng Đoài, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên (huyện Phú Vang) trăn trở.
HÀ NGUYÊN
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 15/05/2016