Ngày 30/5/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 4361/CT-BNN-TY về việc tăng cường công tác thú y thủy sản.
Công tác thú y thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển thủy sản nói chung nhất là ngành nuôi trồng. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với các địa phương đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng tổ chức, tăng cường năng lực các hoạt động về thú y thủy sản và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khống chế nhiều loại dịch bệnh trên thủy sản; cố gắng đáp ứng yêu cầu phát triển thủy sản bền vững, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản, nhất là xuất khẩu thủy sản hiện nay đang gặp những khó khăn, thách thức rất lớn như: dịch bệnh trên thủy sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người nuôi; Việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh không tuân theo hướng dẫn, quy định dẫn đến tồn dư trong sản phẩm gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đến một số thị trường xuất khẩu quan trọng đã từng tạm dừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Tại nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thú y thủy sản, thiếu cán bộ chuyên môn (có tỉnh chỉ có 2 - 3 người) và trang thiết bị.
Để sớm khắc phục những tồn tại, bất cập này, từ đó kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, hạn chế tối đa những vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản, thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và tăng cao giá trị gia tăng cho người nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương rà soát, tổ chức thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu nhiễm chéo bệnh giữa các ao nuôi. Đồng thời rà soát, đầu tư, nâng cấp các phòng thử nghiệm của địa phương đạt chuẩn để phục vụ xét nghiệm bệnh thủy sản kịp thời và hiệu quả. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, bố trí nhân viên cấp huyện, xã để triển khai có hiệu quả công tác thú y thủy sản; tổ chức thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất, kháng sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm thủy sản.
Tổng cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tuyên truyền và hướng dẫn các địa phương quy trình nuôi tôm, cá tra an toàn dịch bệnh; Phối hợp với Cục Thú y tổ chức kiểm tra, hướng dẫn thực hiện giám sát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi tôm, đồng thời phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức điều tra và truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng thủy sản bị cảnh báo, trả về hoặc cấm nhập khẩu do nhiễm hóa chất, kháng sinh để làm căn cứ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
Hà Kiều
Nguồn tin: Fistenet, 31/05/2016