Ngay sau Tết, Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm hải sản của Công ty CP Thực phẩm BIM tại thôn Đồng Bí, xã Đại Bình, Đầm Hà (Quảng Ninh) đã tập trung chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào vụ sản xuất mới năm 2016.
Ông Nguyễn Quảng Lạc, Giám đốc khu nuôi của Trung tâm, cho biết: Kết quả nuôi thực nghiệm tôm thẻ chân trắng tại trung tâm trong năm 2015 vừa qua cho kết quả trung bình đạt 8,5 tấn/ha, trong đó ao cao nhất đạt 16 tấn/ha, cao hơn nhiều lần so với sản lượng trung bình các ao nuôi của người dân. Từ năm 2016, mỗi năm Trung tâm sẽ cấp khoảng 3,5 tỷ con tôm giống, từ 2,5 - 3 triệu giống cá biển; 5-7 triệu nhuyễn thể và trở thành nơi sản xuất, nuôi thực nghiệm giống thuỷ sản có quy mô lớn nhất khu vực miền Bắc cả nước.
Người dân xã Hải Tiến, TP Móng Cái thu hoạch tôm.
Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm hải sản của Công ty CP Thực phẩm BIM là một trong những dự án tiêu biểu của lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Cùng với dự án này, để nâng cao giá trị và mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực NTTS, tỉnh cũng đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư kêu gọi nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi sự tham gia của các doanh nghiệp lớn được xác định là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng “hành trang” cho lĩnh vực NTTS của tỉnh nâng cao giá trị, sức cạnh tranh và tự tin bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng. Thời gian vừa qua, bên cạnh dự án của Công ty CP Thực phẩm BIM đang triển khai, hiện tỉnh đang tập trung thu hút thêm một số dự án lớn về NTTS. Có thể kể đến, như: Dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Công ty CP Thuỷ sản Việt Úc; dự án nuôi tôm năng suất cao theo phương pháp bán thâm canh của Công ty TNHH Thanh Sơn tại TX Quảng Yên; dự án sản xuất giống cá song và nuôi cá song xuất khẩu hình thành chuỗi giá trị của Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC.v.v..
Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh, mục tiêu năm 2016 và những năm tiếp theo là phát triển kinh tế thuỷ sản trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh, chiếm tỷ trọng chủ yếu của ngành nông nghiệp. Do đó, ngành sẽ tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển vùng nuôi thâm canh thuỷ sản quy mô lớn theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm. NTTS sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… trong sản xuất nhằm từng bước đáp ứng hàng rào kỹ thuật về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản.
Theo kế hoạch, năm 2016, diện tích NTTS toàn tỉnh là gần 20.700ha, trong đó trên 17.300ha nuôi mặn lợ và gần 3.400ha nuôi nước ngọt. Hình thức nuôi trồng cũng sẽ chuyển dần từ nuôi quảng canh sang hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh quy mô lớn. Chỉ riêng năm 2015 vừa qua, diện tích nuôi tôm công nghiệp thâm canh trên địa bàn tỉnh đã tăng trên 300ha, tập trung chủ yếu ở Đầm Hà, Hải Hà. Bên cạnh đó, các đối tượng nhuyễn thể phát triển mạnh, đặc biệt là hàu, hà sú treo dây... Đây cũng là dấu hiệu cho thấy chuyển dịch tích cực khi lĩnh vực thuỷ sản thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sự chuyển dịch này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn trong năm 2016.
Cũng theo Chi cục Thuỷ sản, cùng với thu hút đầu tư, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chi cục trong năm nay, đó là tập trung xây dựng các vùng NTTS tập trung với 6 đối tượng nuôi chính trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vùng nuôi tôm trên 2.700ha (Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái); vùng nuôi nhuyễn thể trên 2.600ha (Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà); vùng nuôi cá song 620ha (Vân Đồn); vùng nuôi ghẹ 36ha (Móng Cái); vùng nuôi cua kết hợp cá tôm 906ha (Quảng Yên) và vùng NTTS nước ngọt gần 3.000ha (Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí). Việc hình thành được các vùng nuôi trồng tập trung gắn với thực hiện tốt quy hoạch, hạ tầng vùng nuôi trồng đồng bộ sẽ giảm tối đa việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và nâng cao năng suất, sản lượng NTTS.
Phương Thuý
Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 26/02/2016