Chưa kịp vui với hệ thống, thiết bị hỗ trợ khai thác thủy sản hiện đại, ngư dân đã gặp phải khó khăn, phiền toái khi sử dụng...
Tốn nhiên liệu vì... Movimar
Với tính năng quan sát tàu cá, ngư trường, cập nhật thông tin thời tiết... bằng công nghệ vệ tinh, cộng với giá thành lên đến 70 triệu đồng/bộ nên hệ thống quan sát tàu cá Movimar được xem là thiết bị hiện đại nhất hiện nay trong việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy sản; cũng như giúp lực lượng chức năng dễ dàng giám sát, quản lý hoạt động của tàu cá đang hoạt động trên biển. Thế nhưng, đã hơn 3 năm kể từ khi được trang bị hệ thống Movimar, ngư dân Nguyễn Quang, ở Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) vẫn chưa một lần nhận trợ giúp từ thiết bị này. “Hồi đó nghe hệ thống Movimar có thể xác định ngư trường, tôi khấp khởi mừng vì nhờ đó ngư dân đỡ tốn kém, lại thu nhiều cá. Nhưng rồi càng xài càng thấy... tốn điện, chứ chẳng giúp gì nhiều”, anh Quang chia sẻ.
Quyết định 48 giúp ngư dân thuận lợi bám biển, song vì chất lượng mạng kém nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện thao tác nhắn tin.
Còn chủ tàu Ngô Thanh Phong, xã Phổ Quang cho rằng, ngoài cồng kềnh, tiêu tốn điện năng, hệ thống Movimar khiến ngư dân “rối” vì tính năng quá nhiều. Trong khi đó, vì không thường xuyên sử dụng nên khi cần, ngư dân quên thao tác, hoặc thiết bị ngừng hoạt động!
Theo ông Lê Văn Sơn - Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nguyên lý hoạt động của hệ thống Movimar là “luôn luôn nằm yên trên tàu và gắn với nguồn điện”. Nếu bị ngắt quãng nguồn điện, phải 12 tiếng đồng hồ sau khi có điện, hệ thống Movimar mới trở lại hoạt động bình thường. Chẳng biết vì quên, hay muốn... tiết kiệm điện mà ngư dân lại thường xuyên tháo thiết bị để ra ngoài, khi cần mới gắn vào. Tính năng của hệ thống vì thế cũng không đáp ứng nhu cầu tức thời của ngư dân.
Niềm vui chưa trọn vì... tin nhắn
Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ (về một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác thủy sản trên các vùng biển xa) ra đời đã tiếp thêm niềm tin, động lực để ngư dân trong tỉnh mạnh dạn đóng mới, cải hoán và nâng công suất tàu thuyền vươn khơi bám biển. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 5.500 chiếc tàu nhưng hơn 1/2 trong số đó là tàu công suất lớn (từ 90CV trở lên) và thường xuyên bám biển xa khơi. “Biển giã nay được mai mất, còn chi phí thì cứ tăng nên lắm lúc, ngư dân lỗ tổn. Nhưng nhờ Nhà nước hỗ trợ tiền nhiên liệu, bảo hiểm, máy HF nên ngư dân chúng tôi đỡ vất vả, yên tâm ra khơi”, ngư dân Nguyễn Sinh Bảnh, xã Bình Châu (Bình Sơn) thổ lộ.
Theo đó, tùy vào công suất tàu mà mỗi phiên biển, ngư dân được hỗ trợ từ 22 triệu – 100 triệu đồng. Điều khiến ngư dân phấn khởi là hồ sơ xin hỗ trợ nhiên liệu, máy HF, bảo hiểm theo Quyết định 48 được các ngành chức năng thực hiện nhanh, gọn và kịp thời. Song, niềm vui của ngư dân vẫn chưa trọn vì... tin nhắn - một trong những điều kiện tiên quyết để được hỗ trợ theo Quyết định 48. “Tôi biết đây là cách đề phòng một số ngư dân gian dối, trục lợi chính sách, nhưng thú thật là phiền toái lắm. Biển yên, sóng (mạng) mạnh thì không sao. Chứ biển động, sóng yếu thì gửi tin nhắn rất khó khăn”, ông Bảnh thổ lộ.
Điều "trắc trở" nữa là những lúc tàu xuất bến ra khơi hoặc trở về cập cảng, nếu không gửi thành công tin nhắn đi, về nên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy lòng vòng ngoài cửa đến khi nào... nhắn tin được thì mới vào! Vì vậy, ngư dân mong muốn ngành chức năng quan tâm, xem xét cải thiện chất lượng mạng để họ thuận lợi nhắn tin, cũng là tạo điều kiện nâng cao hiệu quả của việc khai thác thủy sản xa bờ.
MỸ HOA
Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi, 21/04/2016