Manh nha xuất hiện tại vùng biển Phan Thiết (Bình Thuận) từ năm 2011, ở một khía cạnh nhất định, nghề bẫy tôm hùm con phần nào mang lại thu nhập khá cho một số ngư dân trong vụ bấc. Tuy nhiên, từ khi ngành nghề này du nhập vào Phan Thiết đến nay, những tác động tiêu cực từ nó rất lớn, như ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch, môi trường biển, an toàn đường thủy lẫn các ngành nghề khai thác khác trên biển. Hạn chế phạm vi hoạt động, sau đó có lộ trình tiến tới cấm hẳn ngành nghề này tại vùng biển Phan Thiết đang là chủ trương được đặt ra.
Ảnh: Đ.Hòa
Theo Quyết định số 248/QĐ-UBND ngày 7/2/2013 của UBND TP. Phan Thiết về việc cấm nghề bẫy tôm hùm con thì toàn phường Hàm Tiến, ngư dân chỉ được thả bông tôm trong thời gian không cấm đoạn từ khu du lịch Kim Ngân đến giáp địa bàn phường Mũi Né. Trên thực tế, khu vực này chỉ dài 1km, thế nhưng có đến 86 hộ đang khai thác, trong đó có cả người ngoài địa phương. Phạm vi mặt biển ngắn, trong khi nhu cầu lớn nên trên thực tế hoạt động bẫy tôm hùm con đã dẫn đến những xô xát, va chạm trong mua bán và đánh bắt. Trước thực tế đó, UBND phường Hàm Tiến đã nhiều lần họp dân và đề xuất ý kiến cấm hoàn toàn nghề này trên vùng biển địa phương. Cũng theo nội dung Quyết định số 248, phạm vi cấm nghề bẫy tôm hùm con tại vùng biển phường Phú Hài bắt đầu từ đoạn Đá Ông Địa đến khu du lịch Romana. Tuy nhiên, trong những ngày cao điểm, bông tôm của các ngư dân tràn gần hết mặt biển Phú Hài. Theo lãnh đạo phường, trong 25 hộ đang hoạt động nghề bẫy tôm hùm con thì có đến 18 hộ thuộc địa phương khác. Điều này kéo theo không ít khó khăn trong công tác quản lý. Chính vì vậy, phường Phú Hài cũng đề xuất cấm hoàn toàn nghề này và chủ trương này cũng được chính ngư dân ủng hộ.
Trước những kiến nghị, đề xuất của các địa phương về giải pháp cấm nghề bẫy tôm hùm con, mới đây UBND TP. Phan Thiết đã chủ trì cuộc họp với các phòng ban, địa phương có bờ biển để thống nhất phương án. Theo ông Trần Hoàng Khôi – Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, nghề bẫy tôm hùm con vốn dĩ không phải ngành nghề truyền thống của địa phương, vì vậy không khuyến khích phát triển. “Khi đặt cạnh những lợi ích của nghề này mang lại so với những tác động xấu thì rõ ràng, nghề bẫy tôm hùm con cần được hạn chế phạm vi hoạt động, tiến tới cấm hoàn toàn theo lộ trình. Trước mắt, thành phố thống nhất phương án sẽ cấm hoàn toàn nghề bẫy tôm hùm con trên vùng biển từ phường Mũi Né đến hết địa bàn phường Hưng Long bắt đầu từ vụ bấc năm nay. Riêng các vùng biển tại phường Đức Long và xã Tiến Thành, phạm vi cấm sẽ áp dụng theo như Quyết định số 248/QĐ-UBND ngày 7/2/2013 của UBND thành phố. Bên cạnh đó, Phan Thiết sẽ xây dựng lộ trình để tiến tới cấm hoàn toàn nghề này vào đầu năm 2018. Để tạo điều kiện cho bà con ngư dân đang khai thác tôm hùm con đồng tình với chủ trương và có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, UBND thành phố yêu cầu các địa phương, phòng ban tích cực tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng trong thời gian đến” - ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết thêm.
Về vấn đề các địa phương đề xuất cơ chế hỗ trợ giúp ngư dân chuyển đổi ngành nghề, ông Trần Hoàng Khôi cho rằng, thành phố hết sức chia sẻ, đồng hành với bà con ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản. Được biết hiện nay, TP. Phan Thiết đang có 504 hộ tham gia bẫy bắt tôm hùm con, trong đó có 33 hộ từ địa phương khác. Chính vì vậy thành phố yêu cầu các địa phương lập danh sách số ngư dân hành nghề bẫy tôm hùm con là hoạt động mưu sinh chính, đi kèm với điều kiện là hộ nghèo, hộ khó khăn để có cơ sở đề xuất hỗ trợ.
CHÂU TỈNH
Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 03/08/2016