Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau có thêm nguồn thu nhập khá từ nuôi cá bống tượng. Ðây là thế mạnh trong sản xuất đa cây, con, giúp người dân đa dạng hoá nguồn thu trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, sản xuất khó khăn như hiện nay.
Theo nhiều hộ nuôi cá bống tượng trên địa bàn huyện Phú Tân, nuôi cá bống tượng trên vùng đất mặn lợi thế hơn rất nhiều so với vùng nước ngọt.
Phát huy lợi thế vùng mặn
Lợi thế ở đây là cá bống tượng có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện độ mặn thấp, ít xảy ra dịch bệnh và lớn nhanh. Theo đó, nếu vào mùa mưa, nước trong vuông giảm độ mặn xuống dưới 10%o, nông dân có thể thả cá ra vuông để sống trong môi trường tự nhiên, cá chóng lớn và có thể sinh sản. Ðến mùa nước mặn, nông dân đặt lú để bắt cá đem vào ao nuôi. Ao nuôi được thiết kế đảm bảo thấm mặn thấp, vừa đủ cho cá phát triển nhanh và ít xảy ra dịch bệnh.
Mô hình nuôi cá bống tượng trên đất mặn của ông Nguyễn Văn Phen, thu nhập hằng năm từ 60 - 80 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Phen, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, người có nhiều năm nuôi cá bống tượng trên đất mặn đạt hiệu quả, ông nói: "Cải tạo ao thì sên vét bình thường, nếu mùa nắng thì phải bổ sung nước giếng khoan để đảm bảo độ mặn từ khoảng 10%o trở xuống. Thức ăn thì tự lực bằng cách đi xúc cá con, đánh lưới cá phi, bắt nhái … 6 năm nay, năm nào ông Phen cũng thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng từ 2 ao cá. Năm nay ổn hơn, chắc khoảng 100 triệu đồng, đến giờ cá cũng hơn 400 g rồi, đang chuẩn bị cho thu hoạch".
Lợi thế nuôi cá bống tượng ở vùng mặn như huyện Phú Tân là ít tốn chi phí về cá giống, cá mồi, ít hao hụt cá nuôi do ít dịch bệnh. Chính vì vậy, hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn ở vùng nước ngọt.
Trong khi đó, ở vùng nước ngọt, khả năng xảy ra dịch bệnh sẽ cao hơn, cá phát triển chậm hơn. Ðiều đáng nói là nuôi cá bống tượng ở vùng nước mặn, khâu chăm sóc của bà con cũng dễ dàng hơn, chủ yếu là cho ăn đủ lượng để cá lớn nhanh.
Do là vùng nuôi tôm, lượng cá tạp trong vuông tôm khá nhiều nên bà con chủ động được lượng thức ăn cho cá bống tượng mà không phải tốn chi phí để mua như ở nơi khác. Theo đó, nếu thả vào vuông hoặc ao nuôi lớn, cá cũng sinh sản khá nên tiết kiệm được tiền giống, chỉ tốn tiền mua giống ban đầu. Từ những yếu tố này mà mô hình nuôi cá bống tượng trên vùng nước mặn tiết kiệm chi phí rất nhiều so với vùng nước ngọt.
Chính vì vậy, nuôi cá bống tượng ở vùng nước mặn, nếu hộ nào nuôi nhiều năm thì gần như ít tốn chi phí mà chỉ tốn công đi kiếm cá mồi và chăm sóc, theo dõi cá. Do đó, bà con ít bị lỗ khi giá cả đầu ra lên xuống thất thường, bởi chi phí đầu vào rất thấp.
Tăng cường hỗ trợ nông dân
Hiện nay, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, đã thành lập được tổ nông dân nuôi cá bống tượng trên đất mặn, có 11 hộ tham gia. Theo ông Lâm Việt Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Rạch Chèo, nuôi cá bống tượng trên vùng đất mặn không lỗ do bà con ít tốn chi phí. Ðối với 11 hộ trong tổ nuôi cá bống tượng ở ấp Tân Nghĩa, Hội Nông dân xã đã tranh thủ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ bà con mua giống ban đầu. Hiện tại, tổ đã có 5 hộ thả nuôi vụ mới, với 14 ao nuôi, cá phát triển tốt.
Hiện nay đang vào mùa mưa, điều kiện rất thuận lợi để bà con cải tạo ao nuôi cá bống tượng do sử dụng nguồn nước mưa tự nhiên để giảm độ mặn, không cần phải bơm nước ngọt như khi nắng nóng.
Từ những lợi thế của mô hình nuôi cá bống tượng đất mặn cho thấy, điều kiện của huyện Phú Tân rất thích hợp để bà con nông dân thực hiện, tăng thu nhập trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, sản xuất khó khăn như hiện nay./.
Quốc Hiệp
Nguồn tin: Báo Cà Mau, 13/06/2016