Năm 2016, ngành Nông nghiệp đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản là: “Nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh liên kết trong nuôi thủy sản… nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, kết hợp kinh tế với an ninh và quốc phòng”. Để hoàn thành tốt định hướng đã đề ra, việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tăng cường công tác khuyến ngư được ngành chức năng và các địa phương xác định là giải pháp cần đẩy mạnh.
Thu hoạch cá tại xã Bạch Long (Giao Thủy - Nam Định).
Ngay từ đầu năm, ngành chức năng đã triển khai xây dựng nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, có tác dụng thiết thực trong việc thúc đẩy sản xuất nuôi thủy sản cho bà con ngư dân. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Nam Định thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các viện nghiên cứu chuyên ngành tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh với trọng tâm là công nghệ và kỹ thuật nuôi tôm, ngao… Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ nuôi thủy sản bám sát chỉ đạo về lịch thời vụ, sử dụng các loại giống có chất lượng, đã qua kiểm dịch; sử dụng hiệu quả hợp lý các loại thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến (GaqP, GlobalGAP, CoC, GMP) trong sản xuất giống và nuôi thủy sản; hướng dẫn xây dựng vùng nuôi an toàn, phối hợp với Sở KH và CN đề xuất các nhiệm vụ khoa học mới như nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá giò, sò huyết… để chủ động nhu cầu con giống cho người nuôi trong tỉnh, giảm chi phí đầu vào cho người nuôi. Các cán bộ khuyến ngư luôn phối hợp chặt chẽ với người dân để theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thực hiện đủ biện pháp đối với các con nuôi. Trung tâm KN-KN tỉnh, các đơn vị trong ngành và Phòng NN và PTNT các huyện khuyến khích các hộ nuôi nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: nuôi cá chép Vân Nam tại Giao Thủy, nuôi cá chạch đồng tại xã Hiển Khánh (Vụ Bản), nuôi cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng)… Điển hình là mô hình nuôi cá hồng mỹ tại xã Giao Phong (Giao Thủy). Cá hồng mỹ là loại cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, thịt thơm ngon, có thể sống được trong môi trường nước mặn, nước ngọt, nước lợ và có thể cho ăn bằng thức ăn công nghiệp. Đối tượng nuôi này có nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện nuôi của các địa phương vùng biển trong tỉnh như chịu được lạnh kéo dài, độ mặn thấp 2 - 30/00 cũng không ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cá. Theo cơ quan chuyên môn, đây sẽ là mô hình nuôi bền vững, thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay. Sau thời gian nuôi thử nghiệm với mật độ thả là 3.000 con/10 nghìn m2, cá lớn nhanh đạt trọng lượng 1 - 2 kg/con, giá trị thương phẩm từ 100 nghìn đồng/kg trở lên. Mô hình này nếu được nhân rộng sẽ giúp đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm rủi ro ảnh hưởng của khí hậu đối với ngành nuôi thủy sản. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thị trường tiêu thụ cá hồng mỹ thương phẩm còn nhỏ lẻ, chỉ bán tại chợ đầu mối nên nhiều khi vẫn phụ thuộc thương lái về giá. Hiện tại, Trung tâm KN-KN tỉnh đang triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh siêu đực tại xã Giao Thiện (Giao Thủy) và nuôi thử nghiệm sò huyết tại Nghĩa Hưng. Đồng chí Trần Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho biết: “Những con tôm giống càng xanh toàn đực nhập về đều được sản xuất theo công nghệ mới độc quyền của Ít-xra-en. Con giống được chọn có kích cỡ đồng đều, không bị dị hình và khắc phục được nhược điểm không chủ động cả về số lượng và chất lượng, khó kiểm soát mầm bệnh của tôm giống sản xuất trước đây”. Ông cho biết thêm tôm càng xanh bình thường chỉ có 20% là tôm đực, còn lại là tôm cái. Từ những thí nghiệm được thực hiện ở Ít-xra-en cho thấy nuôi tôm càng xanh siêu đực mang lại hiệu quả hơn rất nhiều so với nuôi tôm càng xanh thông thường vì tôm càng xanh toàn đực lớn nhanh hơn, tôm thương phẩm đạt kích cỡ lớn, chi phí đầu tư thấp do thời gian nuôi được rút ngắn hơn. Tại các địa phương, công tác KN-KN cũng được đẩy mạnh. Đối với thủy sản nước ngọt, mô hình cá - lúa là mô hình người dân có nhiều kinh nghiệm thành công nên nhiều hộ nuôi đã tập trung nhân rộng mô hình này vừa đạt hiệu quả kinh tế cao vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, tạo ra sản phẩm cá, lúa sạch cung cấp cho thị trường. Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh cũng đang tập trung hướng dẫn người dân trồng lúa xen lẫn nuôi cá tại vùng cửa sông huyện Nghĩa Hưng sử dụng đậu tương phế phẩm trộn với ngô và cá biển để làm thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ và cá thịt. Thức ăn tự chế đã được Trung tâm đưa vào thử nghiệm, áp dụng trong 2 năm gần đây và hiện đã được Sở KH và CN công nhận để bắt đầu cho nhân rộng tại nhiều địa phương. Khi áp dụng phương pháp này vào mô hình cá ruộng đã giúp giảm chi phí khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg so với sử dụng thức ăn công nghiệp. Hơn nữa, với nguồn thức ăn tự chế, độ đạm đạt 35% giúp cá tăng trưởng nhanh hơn.
Công tác khuyến ngư được tăng cường giúp đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao trình độ kỹ thuật của người nuôi thủy sản, các hộ nuôi lựa chọn được con nuôi phù hợp nhu cầu thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế./.
Thanh Hoa
Nguồn tin: Báo Nam Định, 19/03/2016