Nhuyễn thể 2 mảnh vỏ (NT2MV) như tu hài, ngao, vạng… là các loài sinh vật biển chuyên ăn các vi sinh vật phù du trong nước. Vùng biển tỉnh Nam Định có các cửa sông lớn đổ ra nên có nguồn thức ăn dồi dào cho nhóm hải sản này phát triển. Do vậy đây là một trong những đối tượng nuôi thủy sản chủ lực trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm soát VSATTP trong quá trình nuôi, đặc biệt là khâu thu hoạch NT2MV là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng kinh tế thủy sản và đã triển khai thực hiện từ nhiều năm trên địa bàn tỉnh.
Người dân xã Giao Thiện (Giao Thủy) thu hoạch ngao. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Hằng năm, Sở NN và PTNT đều tổ chức, củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) kiểm soát thu hoạch NT2MV ngay từ đầu năm để tham mưu, giúp lãnh đạo Sở chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ NT2MV trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào tình hình biến động của nguồn lợi NT2MV, thực tế nuôi và khai thác NT2MV trên địa bàn tỉnh, BCĐ đều yêu cầu Chi cục Quản lý nông lâm sản và thủy sản khảo sát hoặc điều chỉnh quy mô kiểm soát các vùng thu hoạch trong chương trình giám sát cho năm tiếp theo. BCĐ tăng cường chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trong ngành phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về VSATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhuyễn thể và người tiêu dùng; mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện quy trình giám sát VSATTP trong thu hoạch NT2MV. Thực hiện thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở làm sạch, nuôi lưu, các đại lý kinh doanh nguyên liệu, các cơ sở sơ chế và chế biến nhuyễn thể. Năm nay, các lực lượng chức năng, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp, quy trình nâng cao hiệu quả kiểm soát thu hoạch NT2MV tại các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, là 2 vùng thuộc chương trình giám sát thu hoạch NT2MV. Mỗi tháng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tổ chức 2 đợt lấy mẫu giám sát định kỳ, mỗi huyện lấy 1 mẫu ngao, 2 mẫu nước vùng nuôi và khai thác ngao. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tiến hành 11 đợt lấy mẫu nước và mẫu ngao tại các vùng nuôi, thu hoạch ngao thuộc địa bàn các xã Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Long, Giao Hải (Giao Thủy), Nghĩa Phúc, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) để phân tích chỉ tiêu tảo độc, độc tố sinh học, vi sinh vật (E.coli)… Kết quả phân tích các mẫu đều đạt yêu cầu, chưa phát hiện trường hợp nào không đạt các quy chuẩn VSATTP”. Ngoài ra, Ban giám sát thu hoạch tại các huyện tiến hành giám sát, cấp giấy chứng nhận xuất xứ và phiếu kiểm soát thu hoạch cho các cơ sở thu hoạch. Trong thời hạn tối thiểu 1 ngày trước khi thu hoạch các chủ hộ nuôi, khai thác nhuyễn thể, đại lý thu mua, cơ sở làm sạch, nuôi nhuyễn thể phải đăng ký thu hoạch với đầy đủ nội dung về thường trực BCĐ thu hoạch hoặc Ban giám sát thu hoạch tại các huyện. Ngay sau khi nhận được đăng ký của các cơ sở thu hoạch, bộ phận thường trực của BCĐ, các Ban giám sát ghi thông tin vào sổ đăng ký thu hoạch và lập kế hoạch, tổ chức kiểm soát thu hoạch tại hiện trường; cấp giấy chứng nhận xuất xứ, phiếu kiểm soát thu hoạch theo quy định. Đối với các trường hợp phát hiện có sự cố về an toàn thực phẩm sẽ chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý phù hợp. Trường hợp phát hiện độc tố sinh học, kim loại nặng, thuốc trừ sâu vượt mức cho phép sẽ xử lý, tiêu hủy. Trường hợp phát hiện vi sinh vật gây bệnh vượt mức cho phép thì phải được xử lý nhiệt, chiếu xạ để tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh. Nhờ tích cực đẩy mạnh chương trình kiểm soát thu hoạch NT2MV của ngành chức năng, đến nay các tổ chức đại diện tham gia chương trình đã nghiêm túc chấp hành các quy định kiểm soát an toàn thực phẩm trong thu hoạch NT2MV. Các trại sản xuất giống ngao đã làm chủ hoàn toàn công nghệ ương nuôi ATVSTP, chủ động sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu giống của địa phương và các tỉnh lân cận. Các hộ nuôi, các cơ sở, doanh nghiệp thu mua sản phẩm NT2MV cũng đã nâng cao ý thức tự giác thực hiện các quy định về ATVSTP trong mọi quy trình mua con giống, chăm sóc đến thu hoạch. Nhờ đáp ứng tốt các quy chuẩn về bảo đảm ATVSTP thu hoạch, các cơ sở, doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm NT2MV sạch của tỉnh và đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Tiêu biểu như Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung, xã Giao Xuân (Giao Thủy) là cơ sở có uy tín về việc sản xuất ngao sạch (cả con giống và ngao thương phẩm) đã tạo dựng thương hiệu “Ngao sạch Giao Thủy”; giữ vị trí hàng đầu trên địa bàn tỉnh về doanh số tiêu thụ ngao sạch cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Sản phẩm của doanh nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu từ năm 2008. Ngoài ra, các cơ sở vận chuyển, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm NT2MV trên địa bàn tỉnh cũng đã nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về đảm bảo các điều kiện ATVSTP trong các khâu sơ chế, chế biến, vận chuyển... sản phẩm ngao.
Việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong thu hoạch NT2MV đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, là cơ sở để xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản, thúc đẩy kinh tế thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng bền vững./.
Thanh Hoa
Nguồn tin: Báo Nam Định, 27/06/2016