Một số tỉnh miền Trung bước đầu xử lý hiện tượng cá chết nhiều

Thứ bảy - 23/04/2016 23:44

Trước hiện tượng cá chết hàng loạt, lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đang khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân và triển khai một số giải pháp cần thiết.

02 ca chet

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra hiện tượng cá chết. Ảnh: VGP/Minh Trang

Từ ngày 10/4 đến nay, ở vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt khiến người dân địa phương rất lo lắng. Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn chưa xác định được.

Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết từ ngày 10-16/4, tại bờ biển xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch xuất hiện cá biển tự nhiên chết và tiếp tục lan rộng xuống phía Nam đến các xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy. Cá chết nhiều, trôi dạt vào bờ biển chủ yếu là các loại cá ven bờ sống ở tầng đáy như cá phèn, cá đục, cá liệt, cá hanh, cá ba sọc…

Ngoài ra, trong đêm ngày 13 và sáng ngày 14/4, tại một số nhà hàng nổi trên khu vực sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) có hiện tượng cá chết rải rác tại một số lồng nuôi nhốt gần cửa sông.

Còn theo phản ánh của ngư dân ở một số khu vực biển tỉnh Quảng Trị, hơn 1 tuần qua, khi đang đánh bắt hải sản ven bờ thì phát hiện cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân, chủ yếu là loại cá đáy vùng rạn như cá hồng, cá mú, cá hanh, cá chình, cá đuối, mực nang...

Tại Quảng Trị, theo thống kê sơ bộ đến chiều 21/4, có khoảng 30 tấn cá bị chết. Nguyên nhân cá chết được nhận định có thể do ảnh hưởng môi trường bị ô nhiễm, bị độc tố làm cho cá yếu dần và chết.

Một số địa bàn ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ghi nhận hiện tượng cá chết hàng loạt dạt vào bờ. Các loài cá chết có cả ở môi trường nuôi và tự nhiên.

Khẩn trương xử lý

Tại buổi kiểm tra tình hình cá chết bất thường ở các vùng biển vào sáng 22/4, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương nhanh chóng thu gom, tiêu hủy cá chết tránh làm ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, từ ngày 10-16/4/2016, tại bờ biển xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch xuất hiện hiện tượng cá biển tự nhiên chết, sau đó tiếp tục lan rộng xuống phía Nam đến các xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy. Đặc biệt, ngày 14/4/2016, số lượng cá chết nhiều, trôi dạt vào bờ biển, chủ yếu là các loại cá ven bờ sống ở tầng đáy như cá phèn, cá đục, cá liệt, cá hanh, cá ba sọc… Ngoài ra, trong đêm 13 và sáng 14/4, một số nhà hàng nổi trên sông Nhật Lệ, TP. Đồng Hới có hiện tượng cá chết rải rác tại lồng nuôi nhốt gần cửa sông. Đến nay, hiện tượng cá chết tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra.

Qua kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá bước đầu kết luận hiện tượng cá chết hàng loạt không phải do tác nhân vi khuẩn, virus mà do nguồn nước bị ô nhiễm. Kết quả này cũng phù hợp với kết luận của Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã kết luận ở tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở NN&PTNT Quảng Bình tiếp tục theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh kịp thời xử lý hiện tượng cá chết bất thường ở các vùng biển; liên hệ, phối hợp với cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số đơn vị liên quan khác khẩn trương xét nghiệm nước, tìm ra nguyên nhân cụ thể.

Sở NN&PTNT cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ địa phương hướng dẫn, chỉ đạo người nuôi trồng thủy sản thực hiện những biện pháp kỹ thuật cần thiết bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi.

Cùng với đó, UBND các huyện ven biển, TP. Đồng Hới, thị xã Ba Đồn phối hợp với chặt chẽ với Sở NN&PTNT trong việc chỉ đạo người nuôi trồng thủy sản chấp hành khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các yếu tố môi trường, nguồn nước vào ao nuôi.

Tại Quảng Trị, ngày 21/4, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra thực tế tình hình cá chết trên vùng biển tỉnh Quảng Trị. Ông Hà Sỹ Đồng yêu cầu Sở Y tế tiến hành cấp phát thuốc, hướng dẫn bà con cách tiêu hủy cá chết đúng quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường biển.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung khoanh vùng cá biển chết, đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý kịp thời, cùng với các địa phương tiến hành tuyên truyền, khuyến cáo bà con ngư dân không được hoang mang, không thu mua, không chế biến khi chưa xác định rõ nguyên cá chết.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình để nắm bắt tình hình, đồng thời tham mưu, đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ các giải pháp để xử lý. Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Y tế, các địa phương hướng dẫn bà con ngư dân xử lý tiêu hủy cá chết đúng quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình ngư trường, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt, sớm có thông báo kết quả để bà con ngư dân yên tâm khai thác thủy sản và đề xuất phương án xử lý nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường biển được hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, qua kiểm tra nhanh mẫu nước biển và nước đầm Lăng Cô cho thấy chất lượng nước phú dưỡng (P04) ở tầng đáy gấp đôi chỉ số cho phép, làm tăng chỉ số pH trong nước, đây có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt… Ngoài ra, tại đầm Lăng Cô, tảo phát triển mạnh kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khiến cá thiếu oxy cục bộ làm cá chết nhanh.

Trong thời gian chờ xác định nguyên nhân chính thức, các địa phương khuyến cáo bà con ngư dân không thu gom cá chết đưa vào chế biến thực phẩm và làm thức ăn gia súc có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân.

Minh Trang-Thế Phong-Lưu Hương

Nguồn tin: Báo Chính Phủ, 22/04/2016

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Công ty TNHH Nhật Hùng

GPDKKD số 1801092452 do Sở KH & ĐT Cần Thơ Cấp 09/12/2009

Địa Chỉ: Q34, KĐT Hưng Phú, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ

Email: nhathungcompanyltd@gmail.com

ĐT: 02923.600.131 - 3.737.168 - FAX: 02923.737.167