Cá Leo (Wallago attu Bloch & Schneider, 1801) là cá nước ngọt có kích thước lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, thịt ngon, được nhiều người ưa thích và có giá trị thương phẩm cao đang được nghiên cứu để làm đa dạng hóa đối tượng nuôi.
Cá Leo có tốc độ tăng trưởng nhanh, phát triển tốt khi nuôi trong ao, hồ, lồng, bè, có thể là đối tượng nuôi thay thế cho cá tra, cá basa. Là loài cá dữ, thức ăn của chúng chủ yếu là động vật, trong quá trình nuôi thương phẩm tận dụng được nguồn cá tạp làm thức ăn, hệ số chuyển đổi thức ăn 3,5 - 4. Ngoài ra, có thể sử dụng thức ăn tự chế với hàm lượng đạm từ 30 - 35%, hệ số chuyển hóa thức ăn 1,7 - 2,2%. Cá Leo có sức đề kháng với bệnh tốt, trong quá trình nuôi thương phẩm yêu cầu kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, bệnh thường gặp trên cá leo chỉ là các bệnh ký sinh trùng trên da nên rất dễ chữa trị, ít tốn kém và ít rủi ro trong quá trình nuôi. Tỷ lệ sống khá từ 50 - 65%. Hiện nay giá bán trên thị trường khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với một số đối tượng cá truyền thống.
Nghệ An là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa với trên 1.250 hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ được phân bố đều trên các huyện đồng bằng, trung du và miền núi. Điển hình, một số hồ có diện tích mặt nước lớn như hồ thủy điện Bản Vẽ huyện Tương Dương 2.871 ha; hồ thủy điện Hủa Na huyện Quế Phong 1.161 ha; hồ Sông Sào huyện Nghĩa Đàn 760 ha; hồ Vực Mấu huyện Quỳnh Lưu 838 ha; hồ Khe Đá huyện Nghĩa Đàn 399 ha...
Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An đã triển khai thành công dự án KHCN “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Leo (Wallago attu Bloch & Schneider, 1801) trong lồng bè trên thủy vực lớn tại Nghệ An”.
Cụm lồng được thiết kế gồm 10 ô lồng có quy cỡ (3 x 3 x 2 m), trong đó có 2 túi lưới dự phòng, phụ trợ công tác kỹ thuật như thay lưới, phân lọc cỡ cá, trị bệnh cá... Toàn bộ khung lồng được cố định bằng dây neo 4 góc, hệ thống neo này còn có tác dụng tự động nâng khung lồng lên xuống theo sự biến động mực nước hồ chứa. Mặt dưới khung lồng được kê trên hệ thống phao nổi, mặt trên khung lồng được ghép Mét cây tạo đường đi.
Túi lưới (lồng nuôi) được làm bằng lưới nylon đường kính 1,5 mm dệt không gút có độ bền cao, kích thước mắt lưới 2a = 1,5 cm và được gia cường bằng các dây giềng, 4 góc đáy của túi lưới có 4 dây để buộc chì giúp cho túi lưới luôn được định hình trong nước không bị thu hẹp diện tích và 4 góc trên được buộc cố định vào khung bè. Thể tích ngập nước mỗi ô lồng 10m3, tổng thể tích cụm lồng nuôi 100 m3. Mặt trên lồng được phủ lưới chống cá nhảy ra và cửa để cho cá ăn kích thước 0,60 m2, nắp lồng làm bằng lưới cước mắt lưới 2a = 2,5 cm.
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá Leo trên lồng bè tại Nghệ An
Sau 2 năm triển khai thực hiện kết quả đạt được như sau:
- Mật độ nuôi 30 con/m3, kích cỡ giống 12,5 – 13cm/con. Cá giống sau khi vận chuyển về được tắm qua nước muối (NaCl) 3% kết hợp với Rifamicine với liều lượng 300 mg/20 lít nước, từ 10 - 15 phút trước khi thả xuống lồng nuôi, tỷ lệ sống sau khi vận chuyển đạt 98% (2.940 con)
- Thức ăn, sử dụng nguồn cá tạp (cá dầu) khai thác trực tiếp tại hồ, được băm cắt vừa cỡ miệng cá.
- Định kỳ 1 tuần tiến hành vệ sinh lưới lồng, thường xuyên kiểm tra hệ thống lồng nuôi, tình trạng kết cấu của lồng, tình trạng an toàn của lưới lồng: Nếu xảy ra hiện tượng hư hỏng cần tiến hành sửa chữa và thay thế kịp thời để đảm bảo hệ thống lồng luôn được vận hành tốt nhất.
- Kiểm tra sức khoẻ cá định kỳ 15 ngày/lần bằng cách nhấc nhẹ lưới lồng nuôi kiểm tra những con yếu có dấu hiệu bị bệnh được tắm thuốc và tách nuôi riêng sang lồng khác để chăm sóc tránh hiện tượng cá bị bệnh lây nhiễm sang cá khoẻ mạnh. Thường xuyên áp dụng công tác phòng bệnh chung: Sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, số lượng, đảm bảo cho ăn đúng khẩu phần. Định kỳ 15 ngày bổ sung thuốc bổ, vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá. Đảm bảo môi trường sống tốt cho cá, dịch chuyển vị trí lồng ra vị trí nước sâu khi môi trường nước xấu. Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi hoặc sử dụng các hóa chất, dung dịch khử trùng, sát khuẩn như: treo túi thuốc tím, túi vôi… quanh lồng theo định kỳ 10 – 15 ngày/lần và đặc biệt cần tăng cường thêm vào mùa mưa lũ…
Sau thời gian 18 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch. Trước ngày thu hoạch ngừng không cho cá ăn. Thao tác thu cá phải nhẹ nhàng tránh xây xát, làm cá chết ảnh hưởng tới giá trị thương phẩm của cá. Kết quả thu được cụ thể như sau:
Số lượng thả |
Số lượng thu |
Thức ăn sử dụng (Kg) |
FCR |
Tỷ lệ sống (%) |
Năng suất (Kg/m3) |
||
Con |
Kg |
Con |
Kg |
||||
2.940 |
55 |
1.700 |
2.840 |
11.132 |
3,9 |
57,8 |
28,4 |
Kích cỡ trung bình đạt 1,67 kg/con (trong đó lớn nhất đạt 2,1 kg/con, nhỏ nhất đạt 1,34 kg/con).
Từ những kết quả trên một số hộ nuôi đã tiến hành thử nghiệm nuôi trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp đều đạt kết quả cao: cá nhanh lớn, tiêu thụ khá dễ. Bên cạnh đó Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ đã đồng ý cho Trung tâm giống thủy sản Nghệ An du nhập, tuyển chọn và đưa cá Leo vào sinh sản nhân tạo vào năm 2016.
Phan Tiến Chương - Trung tâm giống thủy sản Nghệ An
Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 24/11/2015