Hiện nay, nhiều địa phương ven biển của tỉnh Khánh Hòa đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển nuôi trồng hải sản (NTHS) theo hướng bền vững.
Chưa bền vững
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, NTHS trên địa bàn tỉnh chủ yếu là tôm hùm và các loài cá, tập trung ở 4 vùng nuôi là: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Ngoài ra, ở các vùng nuôi này còn phát triển một số đối tượng nuôi khác như: ốc hương, tu hài, ngọc trai, rong biển, hàu Thái Bình Dương…
Tôm hùm là đối tượng nuôi biển cho giá trị kinh tế cao tại huyện Vạn Ninh
Trong 10 tháng năm 2016, toàn tỉnh thả nuôi 24.899 lồng tôm hùm (tôm hùm bông và tôm hùm xanh), sản lượng ước đạt 470 tấn; 4.942 lồng cá biển (cá mú, cá bớp, cá hồng, cá chim trắng), sản lượng ước đạt 1.430 tấn; 120ha rong biển, sản lượng ước đạt 530 tấn; ốc hương nuôi biển sản lượng ước đạt 130 tấn… NTHS đã mang lại điều kiện kinh tế khấm khá cho người dân, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững.
Huyện Vạn Ninh có số lượng lồng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh (khoảng 11.000 lồng) nhưng đang đối mặt với nhiều yếu tố không bền vững như: nguồn con giống phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên; thức ăn cho tôm là cá, thủy sản tạp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, đầu ra lệ thuộc vào việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, chưa có thị trường chính ngạch nên giá cả bấp bênh, người nuôi dễ thua lỗ khi thị trường biến động. Ngoài ra, hầu hết các lồng nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh tập trung ở vùng ven bờ, đầm, đảo nơi kín gió, cục bộ ở nhiều vị trí, mật độ nuôi đã vượt ngưỡng cho phép. Trong khi đó, người nuôi chưa chú trọng vệ sinh trong và ngoài khu vực vùng nuôi, gây ô nhiễm và ảnh hưởng xấu đến môi trường nước.
Theo ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, việc NTHS biển ở Khánh Hòa và nhiều địa phương trong cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức như: mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, điều kiện hạ tầng còn hạn chế, trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến sản xuất kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường và phát triển thiếu bền vững…
Nhiều giải pháp phát triển
Theo định hướng trong thời gian tới, ngành Thủy sản tỉnh sẽ phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; trong đó phát triển mạnh NTHS trên biển, tập trung vào các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, cá biển tại các vùng biển xa, ven các hải đảo; chú trọng phát triển rong biển làm nguyên liệu cho thực phẩm, dược phẩm. NTHS được định hướng phát triển hài hòa ở cả 3 vịnh: Nha Trang, Vân Phong và Cam Ranh, chú trọng nuôi công nghệ cao để nâng cao năng suất và giá trị, phát triển mạnh nuôi lồng bè ở những vùng biển hở, đặc biệt sẽ chú trọng nuôi ở Trường Sa, nuôi sinh thái trong các đầm: Nha Phu, Thủy Triều…
Thu hoạch tôm hùm
Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Để phát triển bền vững, huyện Vạn Ninh đã có định hướng đối với nghề nuôi tôm hùm trong giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, sẽ giải tỏa khu vực nuôi ở Đầm Môn (xã Vạn Thạnh), lạch Cửa Bé (vịnh Vân Phong) để sắp xếp lại vùng nuôi ở 3 khu vực, gồm: lạch Cổ Cò (vịnh Vân Phong), khu vực các đảo giữa vịnh Vân Phong và ven bờ Xuân Tự (xã Vạn Hưng). Theo đó, toàn huyện sẽ phát triển 478 bè nuôi tôm hùm với tổng số 11.800 lồng nuôi, hơn 1.500 hộ tham gia. Bên cạnh việc rà soát, quy hoạch lại vùng nuôi, huyện còn khuyến cáo người nuôi tôm sử dụng thức ăn công nghiệp để tránh ô nhiễm môi trường, tuân thủ các quy định về quản lý môi trường nuôi để đảm bảo sản xuất ổn định; mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; thường xuyên giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để có cảnh báo kịp thời về nguy cơ dịch bệnh…”.
Theo ông Võ Khắc Én, để phát triển NTHS bền vững, hiệu quả, ngành Thủy sản sẽ chú trọng việc triển khai quy hoạch chi tiết mặt nước các vịnh, đầm trên địa bàn. Trong đó, quy hoạch vùng mặt nước để lồng bè cho đối tượng nuôi là tôm hùm, các loài cá biển và một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao khác; đẩy mạnh việc triển khai các chính sách khuyến khích phát triển NTHS; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi NTHS. Bên cạnh đó, triển khai các đề tài xây dựng rạn nhân tạo trong vịnh Nha Trang nhằm bảo vệ tôm hùm giống trong tự nhiên và bảo vệ nguồn giống các loài thủy sản khác; nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm hùm giống và các loài cá biển có giá trị kinh tế cao; hình thành chuỗi liên kết trong NTHS giữa các đơn vị cung cấp yếu tố đầu vào (giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản) với người nuôi và doanh nghiệp thu mua, chế biến…
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn