Nuôi trồng thủy sản được xác định là một trong những thế mạnh kinh tế của huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Tuy nhiên, thế mạnh này vẫn chưa được phát huy bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu bền vững. Vì thế, huyện Đông Hải đã ban hành Chỉ thị số 06 về quy hoạch, đầu tư để các xã phía Đông của huyện phát triển thành vùng sản xuất tập trung nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh; các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp theo hướng bền vững.
Thu hoạch tôm thâm canh - bán thâm canh ở huyện Đông Hải. Ảnh: Tú Anh
Với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 38.150ha, huyện Đông Hải có nhiều thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh chiếm 3.380ha và nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp hơn 34.640ha, cho tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên 57.400 tấn.
Ngoài nuôi tôm công nghiệp, Đông Hải có nhiều mô hình sản xuất kết hợp cùng với con tôm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao như: nuôi tôm kết hợp với nuôi cá, nuôi cua, sò huyết… Đơn cử như mô hình nuôi tôm kết hợp với sò huyết dọc theo các tuyến kênh xáng Gành Hào - Hộ Phòng, hay tập trung nuôi nhiều ở xã An Phúc, An Trạch A và Long Điền Tây, năng suất bình quân từ 6 - 8 tấn/ha, nông dân thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/ha. Hoặc mô hình kết hợp tôm - cua - cá cũng cho lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha…
Tuy nhiên, các mô hình nuôi tôm chủ yếu tự phát, không theo quy hoạch, nên vấn đề quản lý môi trường, con giống, dịch bệnh, vật tư phục vụ cho nuôi trồng còn gặp nhiều khó khăn, kéo theo diện tích tôm nuôi thiệt hại vẫn còn cao và đưa nghề nuôi tôm vào nhóm rủi ro, thiếu bền vững. Thêm vào đó, cơ quan chức năng và người nuôi tôm chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh; người dân nuôi xen tôm thâm canh - bán thâm canh với nuôi quảng canh cải tiến kết hợp, chưa tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, quy trình xử lý cấp nước, thải nước, quy trình công nghệ nuôi tôm; tính cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, làm lây nhiễm bệnh toàn vùng…
Để giải quyết những bất cập, khó khăn tồn tại trong nuôi trồng thủy sản và hướng đến mục tiêu tạo ra vùng sản xuất hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 06 chỉ đạo các ngành, các cấp trong huyện cần tập trung thực hiện.
Đó là vận dụng thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn trong nuôi tôm; khuyến khích nông dân ra đất liên kết với các công ty, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng để đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, hình thành các khu sản xuất con giống tập trung chất lượng cao phục vụ nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ kỹ thuật thủy sản. Có chính sách thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học - kỹ thuật nhằm tạo nguồn nhân lực cho ngành Thủy sản của huyện. Phát triển mô hình “liên kết 4 nhà”, khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Cùng với đó là phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ cho nông dân, nhất là quy trình nuôi tôm thương phẩm chất lượng cao bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất con giống sạch bệnh, ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm, quản lý tốt môi trường ao nuôi. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; tổ chức các cuộc hội thảo theo chuyên đề về kỹ thuật nuôi tôm.
Song song đó, tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất trình diễn, kịp thời tổng kết, đánh giá và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững. Khuyến khích trồng rừng trên đất nuôi tôm ở những nơi có điều kiện; đa dạng hóa các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao đối với các xã phía Tây của huyện. Tập trung đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong nuôi tôm, nâng cao năng lực cán bộ kiểm dịch, quản lý kiểm soát môi trường và vấn đề an toàn thực phẩm tôm nuôi…
Tuyên truyền đến người dân tầm quan trọng trong quy hoạch phát triển vùng nuôi
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 06 và phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, lãnh đạo huyện Đông Hải yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong huyện tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quy hoạch phát triển vùng nuôi nhằm phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên từng tiểu vùng, áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tổ chức quản lý chặt chẽ về kỹ thuật nuôi, chất lượng con giống, môi trường nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư phát triển, xây dựng nông thôn mới từ các nguồn như: ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn viện trợ ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng (hệ thống điện, thủy lợi - thủy nông nội đồng) phục vụ nuôi trồng thủy sản. Làm tốt công tác xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ sở sản xuất con giống (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) phục vụ nuôi tôm. Nghiên cứu giống mới, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn, trợ giúp kỹ thuật, xây dựng mô hình, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất; thực hiện dự án tăng cường năng lực chẩn đoán và phòng ngừa dịch bệnh; xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh…
Hoàng Bảo
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 20/06/2016