Chương trình đẩy mạnh phát triển “2 con 1 cây” (tôm, gà Tiên Yên và trồng cây dược liệu) của huyện được nhân dân xã Đông Hải tích cực triển khai. Để chương trình đạt kết quả cao, Đông Hải đã tổ chức các buổi tập huấn kiến thức khoa học cho nhân dân; tham quan học hỏi ở những xã triển khai hiệu quả.
Mặc dù mới trồng được 5.200m2 ở thôn Hà Tràng Đông (xã Đông Hải) nhưng sau 2 tháng, cây thìa canh và cà gai leo đã được đánh giá rất cao về mặt chất lượng. Trồng đúng quy trình, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thị trường, nên hiện đầu ra của sản phẩm này đã được Công ty TNHH Nuôi trồng - Sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc (có trụ sở ở xã Cộng Hoà, TP Cẩm Phả) bao tiêu hoàn toàn. Công ty còn phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cho bà con, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, không ảnh hưởng tới sức khoẻ người trồng cũng như sử dụng sản phẩm.
Đầm nuôi tôm theo hướng công nghiệp của gia đình anh Lê Văn Cường (thôn Hà Tràng Đông, xã Đông Hải).
Con gà Tiên Yên đã đi vào đời sống người dân xã Đông Hải từ nhiều năm nay. Hiện xã có 5 hộ nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá với số lượng khoảng 2.000 con/hộ, ở các thôn Nà Bấc, Làng Đài, Làng Nhụng. Anh Vũ Văn Oanh (thôn Làng Đài) được nhiều người ngợi khen là “mát tay” nuôi gà. Anh Oanh đăng ký nuôi 2.000 con gà Tiên Yên, từ đầu năm được hỗ trợ 30% tiền giống, nay số gà anh đã xuất chuồng gần hết. Anh Oanh bảo: “Gà của tôi được xuất bán cả ở Hạ Long và Hải Phòng. Nuôi gà không phải cứ chịu khó là được, mà người nuôi cần phải phân biệt được gà Tiên Yên với các giống gà khác khi chúng còn nhỏ để chọn giống. Người nuôi lại cần phải năng động tìm mối tiêu thụ, hễ gà đủ cân đủ lạng là xuất bán, nếu gà nuôi kéo dài ngày quá thì sẽ có nguy cơ lỗ”. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Quốc Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho hay: Sở dĩ xã mới lựa chọn được 5 hộ nuôi gà theo hướng sản xuất hàng hoá, bởi họ là những người năng động. Để phát triển tốt đàn gà Tiên Yên ở Đông Hải, cần được quy hoạch theo hướng khép kín. Từ đó lựa chọn ra các hộ chuyên nuôi gà đẻ trứng và ấp trứng theo quy mô công nghiệp, hộ chuyên nuôi gà sản phẩm và hộ chuyên tiêu thụ gà. Việc tiêu thụ gà là quan trọng nhất và rất cần có sự liên kết các HTX chuyên tiêu thụ sản phẩm gà trong và ngoài huyện. Còn nếu cứ để nông dân tự xoay mọi cái, thì chỉ ít hộ làm được và không hiệu quả với các hộ nghèo, vì người nghèo thường rất kém khâu tiếp thị. Gà nuôi dù có phát triển tốt mà không tiêu thụ được, thì không có vốn quay vòng. Do vậy, rất cần các ban, ngành và doanh nghiệp trong và ngoài huyện cùng vào cuộc với người nông dân Đông Hải, để “2 con 1 cây” ở xã được phát triển tốt hơn.Hiện xã Đông Hải đã có 150 hộ nuôi tôm, diện tích gần 200ha, sản lượng khoảng 500 tấn/năm. Đến nay tất cả các hộ nuôi tôm ở xã đã nuôi theo hướng công nghiệp, năng suất ước tính từ 3-4,8 tấn/ha/vụ, hơn hẳn trước đây chỉ đạt khoảng 1 tấn tôm/ha/vụ. Cũng từ cách làm ăn hiệu quả này mà xã Đông Hải đã xây dựng vùng quy hoạch tập trung và ưu tiên cho vùng nuôi tôm công nghiệp, đầu tư đường giao thông, đường điện đến đầm tôm, tạo nhiều thuận lợi cho người nuôi tôm. Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm của anh Lê Văn Cường (thôn Hà Tràng Đông). Anh Cường nuôi tôm từ năm 2014, diện tích 1ha, sản lượng khoảng 10 tấn tôm/năm. Tuy thế anh Cường vẫn mang nhiều nỗi lo, anh bảo: “Đầu vụ tôm chúng tôi được tham gia các lớp hội thảo về kỹ thuật nuôi tôm, được phổ biến khi con tôm bị bệnh, dùng thuốc này thuốc kia, nhưng lại chẳng biết mua thuốc đó ở đâu. Vào mùa tôm là có rất nhiều người đến đầm tôm tiếp thị bán thuốc, quảng cáo thuốc của mình tốt, thật chẳng biết đâu mà lần, đâu là thuốc thật thuốc giả? Chúng tôi mong muốn huyện và xã cần có đơn vị đứng ra làm dịch vụ bán thuốc phòng dịch đảm bảo về chất lượng, để người nuôi tôm cứ vậy mà thực hiện. Đầu ra của con tôm cũng rất cần có một đơn vị đứng ra bao tiêu. Hiện chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương, nên thường khi được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”.
Công Thành
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn