Cá Diêu hồng được nhập vào nước ta năm 1985 từ Malaysia. Cá Diêu hồng là loài cá dễ nuôi, nhanh lớn, chất lượng thịt ngon; thịt cá Diêu hồng có màu trắng, các thớ thịt được cấu trúc rắn chắc, thịt không quá nhiều xương, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt là cá có hàm lượng mỡ cao nên ăn rất béo, cá Diêu hồng thường được chế biến thành các món ăn ngon và hấp dẫn như: Cá hấp tương, cá nấu riêu, lẩu cá, cá nướng lá sen….
Mô hình nuôi cá Diêu hồng. Ảnh: Nguyễn Lựu
Cá Diêu hồng có thể sống được cả môi trường nước ngọt và nước lợ, pH từ 5 - 9, thích hợp nhất là 6,8 - 8,3; nhiệt độ dao động từ 7 – 45oC, tốt nhất là từ 25 - 32oC. Với nhu cầu về thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, hợp khẩu vị với đông đảo người tiêu dùng, cá Diêu hồng đã trở thành một trong những đối tượng nuôi được nhiều người quan tâm.
Hiện nay cá Diêu hồng được nuôi chủ yếu ở miền Nam nơi có những điều kiện về thổ nhưỡng, thủy lưu thích hợp nhất cho loài cá này. Ở miền Bắc, trong những năm gần đây cá Diêu hồng đã được nuôi ở một số tỉnh như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng…hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao so với một số đối tượng khác.
Đồng chí Nguyễn Duy Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình cho biết: Cá Diêu hồng là loài cá có giá trị kinh tế, có tiềm năng phát triển, mang lại sản phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng và đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Với mục tiêu đa dạng con giống có chất lượng cao cho các nông hộ, tạo ra sản phẩm hàng hóa phong phú cho thị trường... Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt thực hiện dự án “Hỗ trợ nhân giống cá Diêu hồng và xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá Diêu hồng”.
Cụ thể là: Ương nuôi 50 vạn cá bột lên cá giống cỡ 4 - 6cm; xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá Diêu hồng. Từ 50 vạn cá bột Diêu hồng tiến hành ương san lên cá giống sử dụng cám công nghiệp cho ăn với khẩu phần hàng ngày bằng 10 - 15% khối lượng đàn cá trong ao; trộn Vitamin C vào thức ăn với liều lượng 30 - 40 mg/kg thức ăn; quản lý môi trường ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật.
Sau 40 ngày ương san, sản lượng cá giống thu được là 9 vạn con, tỷ lệ sống đạt 18%; xử lý đơn tính và ương giống cá Diêu hồng đạt yêu cầu. Với việc nuôi thâm canh, Trung tâm đã tiến hành khảo sát và chọn được 8 hộ tại xã Gia Phương, huyện Gia Viễn tham gia với tổng diện tích là 4,5 ha. Tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia mô hình và các hộ nuôi thuỷ sản trên địa bàn với 165 lượt người tham dự.
Hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh cho các hộ tham gia mô hình (số lượng cá giống 9 vạn con; thức ăn công nghiệp 24,3 tấn; 4,5kg Vitamin C và 9kg chế phẩm sinh học). Phân công cán bộ chỉ đạo mô hình, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình quy trình nuôi thâm canh cá từ khâu cải tạo ao, thả giống, chăm sóc, quản lý ao nuôi và theo dõi các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật mô hình...
Sau gần 7 tháng nuôi các yếu tố về môi trường ao nuôi được duy trì ổn định, không có dịch bệnh xảy ra cho đàn cá nuôi; cá Diêu hồng ở các hộ đạt khối lượng trung bình 700 - 800g /con, tỷ lệ sống 65 - 72%, sản lượng ước đạt 10,18 tấn/ha; hệ số tiêu tốn thức ăn 1,8. Đánh giá sơ bộ, sản lượng cá của các hộ đạt 45,84 tấn, doanh thu ước đạt 2.062,8 triệu đồng (45.000 đồng /kg); trừ chi phí đầu tư 1.702,8 triệu đồng, còn lãi 360 triệu đồng (80 triệu đồng/1ha).
Đại diện cho các hộ tham gia mô hình, ông Đinh Văn Thiện cho biết: Sau gần 7 tháng nuôi, cá trong ao nhà (diện tích trên 0,5 ha) đã đạt 800g/con và ước sản lượng đạt gần 6,3 tấn. Đây là loại cá phàm ăn nên cần phải có nguồn lực chi phí cho thức ăn và nhất là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình cho rằng: Cá Diêu hồng là loài dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, ít dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao nếu đầu tư thức ăn đầy đủ và quản lý tốt môi trường ao nuôi; có triển vọng nhân rộng ở các loại hình mặt nước.
Để phát triển nuôi cá Diêu hồng hiệu quả, trước hết vùng nuôi cá Diêu hồng phải có điều kiện nguồn nước thuận lợi; các hộ nuôi cá cần nắm vững và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ thời vụ thả giống, các khâu kỹ thuật cải tạo vệ sinh ao, thả giống, chăm sóc, quản lý môi trường và phòng bệnh cho cá.
Đặc biệt phải chủ động được thức ăn cho cá, sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein phù hợp với từng giai đoạn phát triển, cho cá ăn đủ theo nhu cầu, thực hiện đúng nguyên tắc 4 định “định điểm, định lượng, định chất lượng và định thời gian” khi cho cá ăn.
Trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe cá để kịp thời xử lý. Đây là mô hình có tác dụng góp phần chuyển đổi cơ cấu con nuôi thủy sản cũng như thay đổi tư duy, cách làm của nông hộ trong phát triển nghề nuôi thủy sản.
Đinh Chúc
Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 19/12/2015