Hà Tĩnh: Tăng cường quản lý chất lượng và kiểm dịch tôm giống

Chủ nhật - 13/03/2016 22:05

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2016 nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch tôm giống trên địa bàn, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả và phát triển nuôi tôm bền vững.

Trong những năm qua, tình hình nuôi trồng thủy sản ở Hà Tĩnh đã có bước phát triển tương đối rõ nét. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2015 toàn tỉnh đạt 7.795ha trong đó (diện tích nuôi mặn lợ đạt: 2.752ha; nuôi nước ngọt đạt: 5.043ha.); Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2015 đạt 13.475 tấn. (sản lượng nuôi mặn lợ đạt: 6.503 tấn; sản lượng nuôi nước ngọt đạt: 6.972 tấn). Công tác quản lý chất lượng và kiểm dịch tôm giống đã được chính quyền các cấp và các ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, sử dụng giống rõ nguồn gốc xuất xứ đã qua kiểm dịch, đồng thời kiểm soát được một số mầm bệnh nguy hiểm thường gặp, góp phần đảm bảo an toàn cho phát triển nuôi tôm. Tuy nhiên, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chưa phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương, thiếu bền vững. Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng và kiểm dịch tôm giống được nhập vào địa bàn tỉnh từ các địa phương khác còn nhiều khó khăn, tồn tại, chưa triệt để, việc sử dụng con giống chưa qua kiểm dịch, kém chất lượng vẫn còn xảy ra tại nhiều vùng nuôi, làm phát sinh dịch bệnh… gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các tồn tại trên là do có hơn 90% nhu cầu con giống phục vụ cho nuôi tôm thương phẩm phải nhập từ ngoại tỉnh về nhưng việc tổ chức thực hiện quản lý, kiểm soát con giống nhập vào địa bàn tại nhiều địa phương, cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Để tăng cường công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch tôm giống trên địa bàn, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả và phát triển nuôi tôm bền vững. Vừa qua, UBND tỉnh vừa ban hành chị thị số 07/CT-UBND yêu cầu các Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Kế hoạch đầu tư, UBND các huyện, thị trấn, xã, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch tôm giống được sản xuất, lưu thông trên địa bàn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất kinh doanh giống và nuôi tôm trong việc chấp hành các quy định về kiểm dịch tôm giống, phòng chống dịch bệnh, thực hiện lịch thời vụ; xây dựng các mô hình trình diễn về sản xuất - ương dưỡng giống, nuôi tôm an toàn dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh trong nuôi tôm; thành lập các tổ công tác chủ động kiểm tra hồ sơ kiểm dịch, hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các lô tôm giống đưa về sinh sản, ương dưỡng, thả nuôi trên địa bàn; phối hợp các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT lấy mẫu kiểm tra chất lượng tôm giống theo quy định. Kịp thời phát hiện và xử nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về chất lượng tôm giống theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ. Đẩy mạnh việc thành lập Tổ Hợp tác, Hợp tác xã, Tổ cộng đồng vùng nuôi… nêu cao vai trò của các tổ chức này trong việc kiểm soát giống vào vùng nuôi, kịp thời thông tin với chính quyền về các trường hợp vi phạm, vận chuyển, sử dụng giống trôi nổi.

Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh để bố trí nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ việc phát triển NTTS và thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ sản, ưu tiên vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng cơ sở vùng sản xuất tôm giống và nuôi tôm mặn, lợ; kịp thời bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực hỗ trợ xử lý, ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi và thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục, phát triển nuôi tôm sau dịch bệnh.

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các địa phương hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống và nuôi tôm mặn, lợ đảm bảo vệ sinh môi trường; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm trong việc xả nước thải trong sản xuất tôm giống, nuôi tôm mặn lợ chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường và các hành vi gây ô nhiễm môi trường khác.

Các cơ sở nuôi tôm mặn, lợ trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ theo quy định của ngành về lịch thời vụ, mật độ thả giống và kỹ thuật nuôi; các hộ mua giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch theo quy định, nếu mua giống tại các cơ sở không tuân thủ các quy định của Nhà nước, để xảy ra thiệt hại sẽ không được hưởng các chính sách hiện hành và phải chịu xử lý theo quy định hiện hành...

Các địa phương để tôm giống trôi nổi, không đảm bảo chất lượng vào địa bàn làm phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

Văn Thọ

Nguồn tin: Fistenet, 10/03/2016

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Công ty TNHH Nhật Hùng

GPDKKD số 1801092452 do Sở KH & ĐT Cần Thơ Cấp 09/12/2009

Địa Chỉ: Q34, KĐT Hưng Phú, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ

Email: nhathungcompanyltd@gmail.com

ĐT: 02923.600.131 - 3.737.168 - FAX: 02923.737.167