Hai ngày qua, hàng nghìn tàu cá tụ hội đông đúc tại các miền biển của tỉnh Cà Mau sau chuyến xa khơi hồi trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Các tàu đầy khẳm cá, tôm, báo hiệu điềm lành cho năm mới…
Vận chuyển cá bóp từ Hòn Chuối vào đất liền trước khi mang đi tiêu thụ.
Các tàu chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, nhu yếu phẩm cần thiết, và cả bánh, mứt… khởi hành khai thác đầu năm, xa khơi lúc “Trăng già”, tức khoảng 17 đến 19 tháng Chạp âm lịch. Đây được coi là chuyến biển khá quan trọng, khởi đầu cho năm mới. Các ngư dân tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, “ăn Tết” luôn trên biển.
Sau gần một tháng xa bờ, các tàu trở lại đất liền, ngay lúc “Trăng non”, tức từ ngày 10 đến 14 âm lịch tháng liền kề. Ngay khi vào bờ, bốc dỡ và bán hàng cho các chủ vựa hải sản, chủ các tàu cá chia tiền và tổ chức tiệc, đãi đằng cho cánh ngư phủ trước khi họ trở về quê xum vầy cùng gia đình, người thân. Đây được xem là hình thức “ăn Tết nguội” của ngư dân miền biển Cà Mau.
Ghi nhận tại miền biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) - một trong những cửa biển sầm uất nhất của tỉnh Cà Mau cho thấy, tàu cá vào bờ, neo đậu trật ních ven hai bờ sông Ông Đốc. Phần lớn các chủ tàu và cả ngư phủ đều hớn hở vì có chuyến biển khởi hành đầu năm khá thành công. Chia sẻ với chúng tôi, chủ hai tàu câu mực (mỗi tàu công suất 180 CV) Lê Quốc Khởi, ngụ khóm 7 (thị trấn Sông Đốc) cho biết, sau khi chia cho 15 người ngư phủ (người làm công cho tàu), mỗi người từ 4 - 5 triệu đồng, gia đình ông trừ các chi phí còn lại và lời tổng cộng hơn 60 triệu đồng cho chuyến biển đầu năm.
Ngư dân bốc dỡ hải sản tại cảng cá Sông Đốc.
Trao đổi nhanh với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Lâm Văn Phú cho biết, miền biển Sông Đốc có hơn 1.300 tàu cá (trong đó có hơn 900 tàu khai thác xa bờ, công suất lớn từ 90CV trở lên), tổng sản lượng thủy hải sản hàng năm khoảng 110 nghìn tấn. Trong hai ngày qua, khoảng 80% lượng tàu ra khơi chuyến biển Tết đã vào bờ, thu về hơn 9.000 tấn sản phẩm thủy hải sản các loại. “Tuy sản lượng thu về chưa cao hơn mọi năm, nhưng nhờ giá dầu giảm, cộng với mặt bằng giá hải sản tăng (từ 1.000 - 2.000 đ/kg tùy loại) nên phần lớn ngư dân đều có lời, trung bình từ 30 - 40 triệu đồng/phương tiện” – ông Phú chia sẻ.
Ngoài những loại hải sản thường gặp, một số tàu khai thác còn chở vào bờ lượng lớn cá bóp lồng bè, được thu mua từ các ngư dân nuôi cá bóp quanh cụm đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Cá bóp mỗi con từ 5 - 10kg, sau khi xuất bè được ốp đá cẩn thận, nên khi vào tận đất liền còn tươi rói. Các chủ hàng cho biết sẽ đóng thùng, chuyển ngay lên các tỉnh, TP lớn để tiêu thụ.
Ông Lê Văn Phương, Trưởng tổ hợp tác nuôi cá bóp lồng bè Hòn Chuối, cho biết: “Thấy được hiệu quả nên từ vài hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay quanh hòn đã có hơn 120 bè cá (mỗi bè khoảng 10m2) của hàng chục hộ dân. Nhờ giá cá ổn định nên phần lớn hộ nuôi đều có lời, cải thiện thu nhập, cuộc sống dần ổn định”.
Tàu cá đông đúc ở miền biển Sông Đốc sau chuyến biển Tết thành công.
HỮU TÙNG
Nguồn tin: Nhân Dân, 19/02/2016