Đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh)

Thứ năm - 18/02/2016 22:54

Việc đánh bắt thủy sản trong hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) diễn ra khá nhộn nhịp vào buổi chiều tối và sáng sớm ở các bến dọc theo bờ hồ.

Hàng trăm người, cùng nhiều ghe gắn máy và đủ các loại phương tiện đánh bắt, từ lưới cào, lưới bén, lưới cá cơm… cùng “ra trận” đánh bắt thủy sản.

Đêm giao thừa năm nay, huyện Dương Minh Châu không tổ chức bắn pháo hoa tại ngã ba bờ hồ Dầu Tiếng như mọi năm, vì thế nơi đây khá yên tĩnh, chỉ có những người hành nghề đánh bắt thủy sản lên ghe nổ máy ra khơi như thường lệ.

danh bat 1

 

Vị trí một chiếc vó đèn trong hồ Dầu Tiếng.

Anh Nguyễn Văn Hải, nhà ở xóm Bờ Hồ cho biết, anh theo nghề đánh bắt thủy sản bằng vó đèn đêm đã nhiều năm, và tết năm nào anh cũng vào lòng hồ đánh cá bình thường. Tôi hỏi, sao tết không nghỉ một đêm ở nhà đón Giao thừa cho vui? Anh cười tươi và nói với tôi: “Nghề vó đèn nhờ vào những đêm tối trời mới có cá, đêm sáng trăng là không có con cá nào vào vó. Biết là đêm Giao thừa ở nhà thì vui đấy, nhưng lại là đêm thường cất vó được nhiều cá, ở nhà không có cá, không có thu nhập. Thà chịu buồn một mình, để vợ con sáng ra có cá bán, có tiền đầu năm sẽ vui và biết đâu cả năm sẽ được hên”.

Tôi nài nỉ xin đi theo, anh bảo: “Buồn lắm, lênh đênh trên hồ cả đêm chỉ một mình một ghe, chú đi với cháu chịu không nổi đòi về ngang hông thì không được đâu, để bữa khác cháu cho chú cùng đi”.

Sáng ngày mùng Một Tết, tôi ra bờ hồ sớm, thời tiết năm nay lạnh hơn năm rồi, từng cơn gió thổi nhè nhẹ làm cho cái lạnh thêm phần lạnh buốt. Mặt nước hồ long lanh gợn sóng, hơi nước bốc lên bãng lãng. Những chiếc ghe khi còn ở giữa hồ nước mênh mông, như những con le le nhỏ xíu đang bơi, chỉ vài phút sau hiện rõ người ngồi phía sau điều khiển cho ghe tiến vào bến đậu. Tuy số lượng người và phương tiện về bến có ít hơn mọi ngày nhưng không khí ở các bến trong hồ vẫn khá nhộn nhịp.

danh bat 2

 

Một chiếc vó giữa lòng Hồ.

Anh Hải đã có một đêm giao thừa bội thu, bởi riêng cá cơm anh đã thu được gần 50 kg cùng gần chục kg cá tạp các loại. Những thương lái thu mua cá cũng có mặt tại bến lúc từ lúc sớm. Giá cá cơm ngày tết được thương lái trả cao hơn ngày thường 12.000 đồng/kg, thay vì 10.000 đồng/kg. Tổng cộng đêm giao thừa cất vó đèn, anh Hải thu được gần 700.000 đồng, anh còn được bà lái thu mua cá “lì xì” cho 100.000 đồng.

Chiều tối ngày mùng 4 Tết, tôi theo ghe của Hải ra hồ xem anh thả vó, bắt cá. Đến vị trí có chiếc vó, anh Hải bảo tôi cứ ngồi dưới ghe, còn anh leo lên chiếc sàn chơ vơ giữa hồ vừa dùng tay kéo, vừa lấy chân đạp vào chiếc “trục tời” để kéo chiếc vó từ dưới đáy hồ lên. Sau khi cột dây cho chiếc vó nổi hẳn lên, anh Hải giật giật sợi dây có một đầu cột vào chiếc vó cách sàn ngồi kéo khoảng 100 m, anh cho tôi biết: “Làm thế này là để rũ hết rong rêu bám vào vó, lát nữa kéo vó lên nhẹ hơn, nhanh hơn”.

Rũ vó xong, anh nhả sợi dây cuốn vào trục tời cho chiếc vó chìm xuống nước, gắn bình ắc quy với hộp kích điện bật công tắc, bóng đèn treo ở giữa vó phát sáng.

“Mấy năm trước phải dùng đèn măng xông phát sáng, vừa không hiệu quả, vừa vất vả cho người sử dụng, nay có hộp kích điện dùng bình ắc quy, sau một đêm sử dụng, sáng ra đem bình ắc quy về sạc điện tối mai dùng tiếp”- anh Hải giải thích.

danh bat 3

 

Ghe đánh bắt cá về bến.

Vật dụng để làm nên một chiếc vó đèn đêm gồm 100 m2 lưới mành mành, 8 cây tre loại một, 12 cây tràm nước loại vừa, 800 mét dây thừng, 1 bình ắc quy 400W, một hộp kích điện, 1 đèn chữ U loại 100W, trục tời quay dây cất vó, ghe máy, thùng xốp đựng nước đá để ướp cá… Phải người khỏe mạnh, biết bơi lặn, lao động trong 2 ngày mới hoàn chỉnh một chiếc vó đèn. Vị trí đặt vó cố định ở giữa hồ, nơi có mực nước sâu từ 10m đến 12m, vị trí từng chiếc vó cách nhau ít nhất 300m. Tổng chi phí để có một chiếc vó đèn hoàn chỉnh (không kể ghe máy) từ 16 - 20 triệu đồng/cái.

Sau khi hoàn chỉnh việc rũ đặt, bật đèn cho 3 cái vó, anh Hải điều khiển ghe chạy trên mặt nước hồ khoảng 5 phút thì cho ghe dừng lại, qua ánh đèn pin tôi thấy có 3 chiếc ghe khác sáp lại với nhau, mỗi chiếc ghe có cây sào cắm xuống đáy hồ giữ cho ghe cố định, trên mỗi ghe có một người. Một lát sau có thêm 2 chiếc ghe nữa chạy đến neo sát với ghe của nhóm chúng tôi.

Sau khi thả vó, bật đèn xong, anh em cùng cho ghe chạy đến vị trí nước nông, ít sóng gió tán chuyện ngẫu cho đỡ buồn, rồi cắt người thức canh giờ, người khác tranh thủ ngủ giữ sức. Một đêm mỗi vó chỉ cất lên từ 3 đến 4 lần để bắt cá, mỗi lần cách nhau 2 giờ. Bởi vậy, mọi người phải tụ họp các ghe gần lại để nhắc nhở nhau, tránh ngủ quên.

 

danh bat 4

Căn chòi gác giữa lòng hồ.

Trong hồ Dầu Tiếng có hàng trăm chiếc vó đèn, đêm đến ánh đèn lung linh khắp mọi nơi trên mặt hồ. Việc dùng vó đèn đánh bắt cá trong hồ không bị cấm và cũng không phải nộp bất kỳ loại phí nào.

Tuy là ngày tết lênh đênh trên mặt nước hồ, nhưng không ai dám uống rượu, bởi uống dù ít cũng dễ bị cảm lạnh, dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc khác.

Nghề cất vó đèn đêm trong hồ Dầu Tiếng thực hiện khi nước hồ dâng cao từ cos 20m trở lên, và chỉ vào những đêm tối trời, không có mưa bão. Mùa nước lớn, cá nhiều, có người kéo 3 cái vó trong một đêm được hơn 100 kg, chủ yếu là cá cơm, ai may mắn lắm mới bắt được một vài con cá mè, trôi, chép, mỗi con có trọng lượng vài kg, có con hơn 10 kg; riêng cá đen thì hầu như không ai bắt được. Gặp những đêm trời mưa bão, hay lỡ ngủ quên chỉ được vài kg cá, có khi về tay không.

Hiền Lương

Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 17/02/2016

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Công ty TNHH Nhật Hùng

GPDKKD số 1801092452 do Sở KH & ĐT Cần Thơ Cấp 09/12/2009

Địa Chỉ: Q34, KĐT Hưng Phú, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ

Email: nhathungcompanyltd@gmail.com

ĐT: 02923.600.131 - 3.737.168 - FAX: 02923.737.167