Với 12.000ha mặt biển, trong đó có có 5.500ha đất bãi triều và 2.902,7ha rừng ngập mặn, chiều dài bờ biển 21km, thời gian qua, huyện Đầm Hà đã tích cực tuyên truyền trong ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Đầm Hà đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn đến năm 2020, phát triển kinh tế thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời tăng cường công tác quản lý tàu cá và ngư dân hoạt động trên các vùng biển nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lực thuỷ sản một cách bền vững. Hiện toàn huyện có 338 tàu, thuyền khai thác thuỷ sản, tập trung chủ yếu ở 4 xã ven biển là Đầm Hà, Tân Lập, Đại Bình và Tân Bình. Trong số 338 phương tiện thì có tới 257 phương tiện có công suất máy chính dưới 20CV do UBND cấp huyện quản lý theo Quyết định 1977/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Từ đầu năm 2016 đến nay, UBND huyện Đầm Hà đã gia hạn, cấp đổi giấy phép khai thác thuỷ sản cho 259 chủ phương tiện, trong đó phối hợp với Chi cục Thuỷ sản (Sở NN&PTNT) cấp mới giấy phép khai thác cho 2 phương tiện và gia hạn, đăng ký, đăng kiểm tàu cá có công suất 20CV trở lên cho trên 50 phương tiện.
Hoạt động khai thác ven bờ gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.Trong ảnh: Khu vực nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà. Ảnh: Minh Hải (Đài Đầm Hà)
Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã tổ chức từ 3-5 lớp/xã để tập huấn tuyên truyền về luật và các văn bản liên quan trong lĩnh vực thuỷ sản cho ngư dân; tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Luật Biên giới quốc gia, Luật Thuỷ sản và luật pháp của các nước liên quan để ngư dân hiểu rõ và không vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản. Cùng với đó, huyện thành lập mạng lưới cộng tác viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách kinh tế làm tổ trưởng, các chi hội bảo vệ nguồn lợi tại các xã ven biển với 6 hội viên/xã, phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó quy hoạch 56ha tại khu vực Cồn Giữa, xã Tân Bình để bảo vệ nguồn lợi sá sùng, giun đất.
Cùng với tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, huyện cũng đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác thuỷ sản nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường. UBND huyện thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động thuỷ sản, lâm nghiệp, giao thông đường thuỷ nội địa trên biển theo quy định của pháp luật và tuyên truyền các biện pháp chủ động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Qua kiểm tra đã xử lý các hoạt động cấm khai thác như: 1 vụ dùng đăng đáy, săm bãi tại khu Đảo Cuống, xã Đại Bình, 2 điểm cắm đăng trái phép ở khu Cồn Giữa, xã Tân Bình, lập biên bản xử lý 9 trường hợp tàu cá không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản theo quy định, nhắc nhở viết cam kết 1 trường hợp, xử lý vi phạm hành chính 2 trường hợp với số tiền xử phạt trên 1,1 triệu đồng, chuyển hồ sơ đề nghị TX Quảng Yên tiếp tục xử lý 7 trường hợp vi phạm có hộ khẩu thường trú tại xã Liên Hoà (Quảng Yên) có các hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép trên vùng biển huyện Đầm Hà.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn, trong đó phải kể đến trong số 338 phương tiện khai thác thuỷ sản trong toàn huyện thì có tới hơn hơn 76% phương tiện tàu, thuyền có công suất dưới 20CV chủ yếu khai thác ven bờ, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thuỷ sản. Nhiều phương tiện tàu, thuyền công suất trên 20CV chưa đăng ký hoặc đã hết hạn chưa được Chi cục Thuỷ sản (Sở NN&PTNT) đăng ký, đăng kiểm, gia hạn, gây không ít khó khăn cho công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn