Những năm gần đây, sò huyết đã trở thành vật nuôi quen thuộc đối với nhiều hộ nông dân ở vùng đất ngập mặn, chuyên tôm. Ở Đầm Dơi (Cà Mau) cũng vậy, từ việc nuôi thử nghiệm thấy đạt hiệu quả, nhiều hộ nông dân đã đầu tư nuôi sò huyết quy mô, bởi khả năng thu lãi từ mô hình này rất cao.
Sò huyết thương phẩm loại 50 - 60 con/kg có giá từ 90 - 120 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện: “Nông dân Đầm Dơi chủ yếu thu nhập từ tôm, cua, tuy nhiên những năm gần đây, tình hình nuôi tôm của bà con gặp nhiều khó khăn, do giá thấp, thời tiết, dịch bệnh… Từ đó, một số hộ đã thử nghiệm nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, rồi từ từ nhân rộng trong huyện”.
Hiện nay, huyện đã thành lập 2 tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm (xã Quách Phẩm và Thanh Tùng), cùng với số hộ nuôi nhỏ lẻ trong toàn huyện đã lên đến 300 hộ, với diện tích khoảng 690ha, chủ yếu là nuôi tôm quảng canh kết hợp sò huyết. Những tháng cuối năm 2015, đúng vào thời điểm rộ mùa thu hoạch sò huyết, nông dân Đầm Dơi rất phấn khởi vì được mùa và trúng giá.
Chính quyền một số ấp trên địa bàn xã Tân Đức tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi sò huyết của ông Trần Văn Tèo (ngồi thứ 2, từ phải sang).
Năm 2014, ông Trần Văn Tèo (ấp Tân Thành Lập, xã Tân Đức) là một trong 3 hộ của huyện được Phòng Nông nghiệp huyện chọn thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm quảng canh kết hợp nuôi sò huyết; mỗi hộ được đầu tư 40 triệu đồng từ nguồn vốn khoa học công nghệ, thực hiện trên diện tích 1ha/hộ. Ông thả sò giống với chi phí 10 triệu đồng, đến cuối năm thu hoạch được 42 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm 2015, ông mạnh dạn đầu tư trên 600 triệu đồng tiền sò giống, tương đương 6 tấn sò giống trên diện tích đất khoảng 14ha. Từ tháng 6/2015 đến nay, ông đã thu hoạch trên 5 tấn sò thương phẩm, khoảng 500 triệu đồng, thu hoạch theo hình thức bắt từ từ, chọn sò lớn bán trước và hiện nay, lượng sò trong vuông còn rất nhiều, ông Tèo ước sẽ thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dữ nuôi sò huyết mật độ dày, ngồi trên xuồng ông cũng có thể bắt được sò huyết.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Dữ (ấp Tân Điền A, xã Thanh Tùng) nuôi sò huyết trong vuông tôm từ năm 2011. Ban đầu, ông nuôi thử nghiệm, thấy có hiệu quả nên đầu tư ngày càng quy mô hơn, 3 năm gần đây, hằng năm ông Dữ thu lãi từ 50 - 100 triệu đồng từ mô hình sò huyết. Ông Dữ chia sẻ: “Sò huyết dễ nuôi, tuy nhiên không phải vùng nào nuôi sò huyết cũng thuận lợi. Nuôi sò phải đảm bảo lấy được nước ra vào thường xuyên để cải tạo môi trường. Sò huyết ăn phù sa, vì vậy chúng phù hợp với nơi có thủy triều lên xuống. Càng gần cửa biển, càng dễ nuôi. Thanh Tùng cũng là một trong những địa phương thích hợp nuôi sò, nhờ đó mang lại hiệu quả cao”.
Thu hoạch sò huyết trong vuông, chọn sò lớn bán trước để được giá cao.
Ông Lê Thanh Đăng, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện: “Đầm Dơi có lợi thế với nhiều cửa biển, lượng phù sa nhiều, phù hợp cho sò huyết phát triển. Nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân, mà còn tác động có lợi, bởi khi sò ăn mồi sẽ tạo dòng chảy lọc nước, tạo ra môi trường nước tốt cho tôm phát triển, từ đó góp phần hạn chế rủi ro. Điều đặc biệt là sò huyết dễ nuôi, có thể áp dụng cho hộ có diện tích nhỏ. Để giúp người nuôi sò huyết đạt hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, giúp hộ nuôi sò huyết nắm bắt quy trình, kỹ thuật để giảm rủi ro, tăng hiệu quả”.
LOAN PHƯƠNG
Nguồn tin: Báo Ảnh Đất Mũi, 01/03/2016