Cơ hội mới cho tôm Việt Nam vào thị trường Australia

Thứ năm - 15/09/2016 08:14

Phóng viên TTXVN tại Sydney đã phỏng vấn Thứ trưởng Vũ Văn Tám về triển vọng lần đầu tiên xuất khẩu tôm tươi nguyên con sang thị trường Australia.

Nhân dịp đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu, sang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Australia từ ngày 8-10/9 về tăng cường hợp tác nông nghiệp giữa hai nước, và đoàn doanh nghiệp thủy sản Việt Nam dự Hội chợ quốc tế hàng thực phẩm Australia, Tuần lễ thủy sản Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Sydney đã phỏng vấn Thứ trưởng Vũ Văn Tám về mục đích chuyến công tác và đặc biệt là triển vọng lần đầu tiên xuất khẩu tôm tươi nguyên con sang thị trường Australia.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, cuộc làm việc của đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Australia lần này có 2 mục đích: một là bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tăng cường thương mại về nông sản giữa hai nước và thứ hai là tăng cường hợp tác về nông nghiệp giữa 2 nước trong thời gian tới. Trong cuộc trao đổi, Việt Nam bày tỏ ưu tiên xuất khẩu tôm tươi nguyên con sang Australia. Ngoài ra, sẵn sàng cùng với bạn chia sẻ thông tin và trao đổi làm rõ một số vấn đề vướng mắc hiện nay như một ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của Australia bị giới chức Australia bắt giữ, xử lý. Chúng ta cũng trao đổi sự cố vừa rồi có một số doanh nghiệp nhập khẩu bò Australia về Việt Nam dùng những hành vi mà phía Australia cho là phản cảm, đó là đối xử không nhân đạo với bò khi giết mổ.

Tại các cuộc làm việc, đoàn Việt Nam cũng trao đổi về tăng cường xuất nhập khẩu về trái cây giữa hai nước, mà hiện nay theo đề nghị của ta, Australia mới mở cửa cho trái vải năm 2015 và gần đây nhất là xoài, tới đây còn một số trái cây khác như thanh long, chanh leo... cũng đã được phía bạn ghi nhận. Ngược lại chúng ta cũng đã mở cửa thị trường cho bạn 38 trái cây và vừa rồi năm 2014 có sự cố về vườn quả, nên đã ngừng nhập khẩu. Australia đang cấp thiết đề nghị Việt Nam ưu tiên xem xét nhập khẩu lại trái cherry hay một số sản phẩm trái cây khác có lợi thế của bạn. Chúng ta cũng ghi nhận việc này.

Về lý do Việt Nam ưu tiên chọn xuất khẩu tôm tươi nguyên con sang Australia, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết những năm vừa qua, Australia là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng tương đối lớn về thủy sản của Việt Nam, trong đó tôm là mặt hàng thủy sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Australia. Tuy nhiên, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tôm của chúng ta sang Australia giảm  25,6% và trong 7 tháng 2016 lại giảm tiếp 16% so với năm 2015. Đây là vấn đề cần bàn với bạn để tìm giải pháp. Thứ hai, hiện nay đối với thị trường Australia là chưa có nước nào có thể xuất khẩu tôm tươi nguyên con vào thị trường Australia, trong khi chúng ta rất cần việc mở thị trường Australia để khẳng định tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng cũng như công nghệ của chúng ta có thể đảm bảo được.

Ngoài ra, lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng âm, vì thế, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành nông nghiệp phải tập trung vào phát triển nông nghiệp 6 tháng cuối năm cũng như những năm tiếp theo để bù lại đà tăng trưởng âm vừa qua. Trong các sản phẩm được xác định có lợi thế khôi phục được sản xuất nông nghiệp là thủy sản, mà trong đó con tôm nước lợ được xác định là có lợi thế. Chính vì thế mà vừa qua Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, chất lượng giống, đầu vào và công nghệ nuôi cũng như các mô hình mà hiện nay rất nhiều doanh nghiệp lớn có công nghệ hiện đại đầu tư vào. Như vậy, phát triển trong ngành nuôi tôm của Việt nam có tín hiệu tốt, vấn đề đặt ra bây giờ là phải giải quyết vấn đề thị trường. Nếu không giải quyết tốt vấn đề thị trường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cũng như giá giá tôm trong nước. Trong nhóm các giải pháp thị trường thì Việt Nam chọn Australia bởi đây là thị trường rất tiềm năng và có nhu cầu rất lớn về tôm tươi nguyên con mà hiện chúng ta chưa xuất khẩu được. Triển vọng và khả năng công nghệ của chúng ta hiện nay như đã nói là có nhiều doanh nghiệp có thể đảm bảo xây dựng được cơ sở an toàn dịch bệnh cũng như đáp ứng được các điều kiện có thể vào thị trường Australia.

Thứ trưởng cho biết trong cuộc làm việc ngày 8/9, hai bên đã thảo luận và  thống nhất cao rằng sẽ hợp tác, phía Australia tỏ ra thiện chí và rất quan tâm đến ưu tiên của Việt Nam xuất khẩu tôm tươi nguyên con sang Australia. Hai bên thống nhất vào quý 4/2016 này sẽ có 1 đoàn đại diện các cơ quan chức năng, chuyên môn kỹ thuật của Australia sang kiểm dịch và xem xét các điều kiện mà Việt Nam đáp ứng để có thể xuất khẩu tôm tươi nguyên con sang Australia. Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng ngành nuôi tôm Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, Australia là thị trường có nhu cầu rất lớn về thủy hải sản với kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 868 triệu USD năm 2011 lên 1,6 tỷ USD năm 2015 (tăng 84%). Việt Nam hiện là một trong 4 nhà cung cấp thủy hải sản lớn nhất cho thị trường Australia (sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand), nhưng mới chỉ chiếm 11,2% thị phần nhập khẩu tại thị trường này. Trong nhóm hàng này, tôm được tiêu thụ nhiều nhất tại Australia với lượng tiêu thụ hàng năm lên tới 50.000-60.000 tấn. Trong 5 năm qua, Việt Nam luôn là nước cung cấp tôm chế biến lớn nhất cho Australia. Tuy nhiên, do các quy định nghiêm ngặt từ phía Australia đối với tôm cũng như sản phẩm tôm nhập khẩu, nên Việt Nam hiên nay mới chỉ đưa được tôm đã luộc chín hoặc tôm tẩm bột, gia vị, chứ chưa thể xuất khẩu tôm tươi đông lạnh nguyên con vào Australia. Trong khi đó, nhu cầu về tôm tươi nguyên con ở Australia lớn hơn rất nhiều, nên gây thiệt hại không nhỏ với ngành sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam.

(Theo Báo Tin tức)

Nguyễn Trang

Nguồn tin: vasep.com.vn

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Công ty TNHH Nhật Hùng

GPDKKD số 1801092452 do Sở KH & ĐT Cần Thơ Cấp 09/12/2009

Địa Chỉ: Q34, KĐT Hưng Phú, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ

Email: nhathungcompanyltd@gmail.com

ĐT: 02923.600.131 - 3.737.168 - FAX: 02923.737.167