Trước tình hình nuôi tôm quảng canh gặp nhiều khó khăn do môi trường ngày càng bị ô nhiễm, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (qcct) nước tĩnh với ưu điểm dễ làm, lợi nhuận khá đang mở ra hướng đi mới cho người dân ở Cà Mau. Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “nước tĩnh” được cho là hướng đi mới, phù hợp điều kiện Cà Mau, nhất là đối với những hộ ít đất, thiếu vốn, trình độ kỹ thuật còn kém. Mô hình này có tác động tích cực trong bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế khá
Tổ hợp tác Nuôi tôm sú quảng canh nước tĩnh (ấp 6, xã Tân Thành, TP Cà Mau) sau hơn 10 tháng thực hiện mô hình trên đã đạt doanh thu hơn 1,1 tỷ đồng. Trừ chi phí còn lãi trên 990 triệu đồng, chỉ với diện tích khoảng 52 ha.
Qui trình nuôi tôm nước tĩnh rất phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ sản xuất của người lao động, đồng thời cũng giải quyết một số vấn đề đặt ra trong thời gian qua còn nan giải đó là:
Về môi trường: Do trong quá nuôi nước tĩnh là không xổ nước ra, mà đặt lú bắt tôm tại cửa cống và cũng đồng nghĩa không lấy nước phù sa ồ ạt vào vuông, chỉ giữ nước mật độ 50 – 70cm trên mặt đầm để thả tôm nuôi, nước bị bốc hơi hoặc rò rỉ thì bơm nước vào, khi thấy thiếu nước thì bơm nước bổ sung, giữ cho mật độ nước từ 50 - 70cm. Thả giống lần đầu mật độ từ 2 - 3 con/m2 đến sau 2,5 tháng thu hoạch thưa thì mỗi tháng thả nối đuôi bằng 10 - 20% số lượng thả giống trước. Cách nuôi này không xổ nước ra gây ô nhiễm môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất sên vét “lùa” ra sông rạch cộng đồng.
Những vùng dòng chảy kém: (thuỷ lợi phục vụ cho nuôi tôm không thuận lợi) nên không đủ cung cấp và tháo nước tự nhiên, hình thức nuôi nước tĩnh sẽ giải quyết hợp lý và có hiệu quả cho vùng nuôi
Giảm lượng giống đáng kể: Với mật độ nuôi thưa sẽ tránh được ô nhiễm môi trường cũng là tránh được dịch bệnh. Mặt khác đặt lú bắt tỉa tôm có kích thước, trọng lượng bán được và bổ sung giống mới là hợp lý nhất.
Phù hợp với trình độ canh tác của người sản xuất và khả năng đồng vốn: Khâu cải tạo đất đai và quản lý của người nuôi, thiếu vốn hoặc không vốn cũng nuôi được vì có các doanh nghiệp - công ty giống đỡ đầu, cung cấp giống có chất lượng ban đầu cho người nuôi, sau khi thu hoạch mới trả vốn đầu tư giống.
Nuôi tôm nước tĩnh mang tính cộng đồng rất cao: Khi tổ chức lại sản xuất cần có sự đồng thuận, hợp tác của các hộ liền kề nhau, thống nhất và đồng loạt giữ nước, tuân thủ kỹ thuật hướng dẫn. Ngoài ra, các hộ dân yên tâm khi thị trường giá có biến động, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, điện có thiếu thì cũng không ảnh hưởng lớn đến nuôi tôm nước tĩnh.
Từ những kết quả trên có thể khẳng định: Hình thức nuôi tôm nước tĩnh (tôm sú) là phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết hiện nay ở tỉnh Cà Mau. Đối tượng tham gia nuôi đa dạng: hộ nghèo, trung bình hoặc hộ khá… có đất sản xuất là nuôi được tôm nước tĩnh. Vốn đầu tư, cải tạo ao vuông không đáng kể, kỹ thuật nuôi không phức tạp.
Văn Thọ
Nguồn tin: Fistenet, 01/02/2016