Theo lịch thời vụ được Sở NN&PTNT ban hành, từ giữa tháng 2.2016 là thời điểm bắt đầu xuống giống vụ tôm mới tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa năm 2015 ít mưa và không có lũ lụt, làm cho môi trường nước không tốt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh tôm nuôi, khiến người nuôi tôm lo lắng khi bước vào vụ sản xuất mới.
Trĩu nặng khó khăn
Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cho biết: Bước vào vụ nuôi tôm năm nay, người dân trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất lợi, nguồn nước phục vụ nuôi tôm bị ô nhiễm nặng. Mùa mưa năm ngoái lại không có mưa lũ lớn khiến cho các chất cặn bã thải ra từ các ao tôm trong vùng không được rửa trôi nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh tôm nuôi trong vụ nuôi tôm năm nay là rất lớn.
Nuôi tôm thâm canh tại vùng nuôi tôm thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (Tuy Phước). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Theo ghi nhận của PV Báo Bình Định, đến thời điểm này, tuy đã vào chính vụ nuôi tôm nhưng nhiều hộ còn chần chừ không dám thả giống. Trong tổng số 274 ha mặt nước nuôi tôm của toàn xã Phước Sơn, mới chỉ có 10 ha nuôi theo phương pháp thâm canh, bán thâm canh ở khu vực thôn Vinh Quang 2 đang được thả giống. Diện tích còn lại, bà con chuyển sang nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến với phương thức nuôi ghép với nhiều đối tượng thủy sản khác để đề phòng rủi ro.
Ông Nguyễn Hớn - chủ hồ tôm ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn - lo lắng: “Vụ nuôi tôm năm nay, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn đầu tư cải tạo ao hồ và mua tôm giống chất lượng cao. Với diện tích ao nuôi 2 ha, lẽ ra tôi phải đầu tư trên 100 triệu đồng để cải tạo hồ, sửa chữa bờ, mua tôm giống, nhưng chưa biết tìm đâu ra vốn. Các năm trước, nhiều đại lý kinh doanh thức ăn nuôi tôm ở địa phương sẵn sàng ứng vốn giúp người nuôi tôm sản xuất, nhưng năm nay do khó khăn về tài chính nên các đại lý không còn mặn mà. Một vấn đề khác mà bà con nuôi tôm cũng lo lắng là do ít mưa nên mới đầu vụ mà độ mặn của nước rất cao, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi rất lớn”.
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Vụ nuôi tôm này, toàn huyện sẽ đưa vào nuôi tôm gần 1.000 ha mặt nước, tập trung tại các xã Phước Thuận 317 ha, Phước Sơn 274 ha, Phước Hòa 327 ha, Phước Thắng 54 ha. Trong đó, nuôi theo phương thức bán thâm canh, thâm canh gần 100 ha; diện tích còn lại nuôi quảng canh cải tiến, thân thiện với môi trường. Qua lịch thời vụ được ngành Nông nghiệp tỉnh ban hành, bắt đầu từ 15.2, các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đồng loạt thả giống; đối với các vùng nuôi tôm quảng canh, thời gian thả tôm từ 1.3. Do khó khăn về nguồn vốn đầu tư và dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp nên nhiều hộ nuôi tôm còn “treo” ao, chưa chuẩn bị sẵn sàng để bước vào vụ mới. Huyện đang tập trung vận động người nuôi tôm đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao hồ và hỗ trợ tìm nguồn giống chất lượng, tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống…
Ông Phạm Văn Chung, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: Vì năm ngoái không có mưa lũ, nguồn nước trên sông Lại đang bị ô nhiễm, khiến cho nhiều hộ nuôi tôm ở các xã ven biển rất lo lắng. Bước vào vụ nuôi tôm mới này, hầu hết các hộ nuôi tôm ở đây đều dè chừng, chưa mạnh dạn thả con giống. Đến nay, tuy đã vào chính vụ nuôi tôm nhưng toàn huyện mới chỉ thả nuôi được 15/200 ha tại các xã Hoài Mỹ, Hoài Hương, Hoài Hải. Huyện cũng khuyến cáo bà con nên thận trọng trong việc thả giống, tuân thủ chặt chẽ các quy trình nuôi tôm để hạn chế thiệt hại.
Tăng cường hỗ trợ người nuôi tôm
Ông Man Thống Nhất, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: Vụ nuôi tôm năm nay, toàn tỉnh sẽ đưa 1.874 ha mặt nước vào nuôi tôm, tập trung tại các huyện: Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn. Nhằm hỗ trợ người nuôi tôm phát triển sản xuất trong điều kiện có nhiều yếu tố bất lợi, Chi cục đang tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường và giám sát các vùng nuôi tôm trọng điểm, thường xuyên khuyến cáo người nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, lựa chọn tôm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo kích cỡ theo yêu cầu. Tôm giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch; người nuôi nên thực hiện ương nuôi giống tại các ao nhỏ tập trung trước khi thả nuôi thương phẩm, đặc biệt là giai đoạn đầu, từ khi bắt đầu thả nuôi đến giai đoạn 30 ngày tuổi. Đây là thời gian quan trọng quyết định phần lớn đến sự thành bại của vụ nuôi.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng khuyến cáo người nuôi tôm cần thực hiện đúng khung lịch mùa vụ, chú ý thực hiện “3 giảm, 3 tăng” trong nuôi tôm nước lợ, gồm: Giảm vụ nuôi xuống còn 2 vụ/năm để kéo dài thời gian cho ao đất nghỉ ngơi; giảm mật độ thả giống xuống khoảng từ 20 - 40 con/m2; giảm hoặc ngưng sử dụng các loại thuốc, hóa chất để cải tạo ao, phòng chống bệnh và môi trường nuôi. Tăng cường quản lý môi trường ao nuôi tốt hơn; tăng cường nuôi luân canh cá - tôm, thả nuôi cá rô phi tại ao lắng để xử lý chất cặn bã trước khi thải ra môi trường; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý cải tạo ao nuôi, nhằm bảo đảm vụ nuôi thành công.
“ Đến thời điểm này, tuy đã vào chính vụ nuôi tôm nhưng nhiều hộ còn chần chừ không dám thả giống ”
Nhằm bảo đảm thực hiện theo đúng kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2016, UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi tôm tranh thủ xuống giống đúng lịch thời vụ, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi, chủ động thực hiện tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường, quản lý vật tư nông nghiệp, kiểm dịch con giống và các yếu tố đầu vào nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi tôm.
NGUYỄN HÂN
Nguồn tin: Báo Bình Định, 22/02/2016