Theo đánh giá của ngành chức năng, 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh Bình Định đều tăng, nhưng các hoạt động này vẫn còn mang tính tự phát, rủi ro lớn, giá trị đạt được chưa tương xứng với tiềm năng.
Sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được lớn, nhưng chất lượng chưa cao.
Sản lượng tăng, song còn tồn tại, hạn chế
Sở NN&PTNT, các chính sách hỗ trợ ngư dân theo tinh thần Quyết định (QĐ) 48 và Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản (KTTS). Ngoài ra, bà con ngư dân còn tự đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn, trang bị hiện đại phục vụ hoạt động KTTS. Toàn tỉnh hiện có 516 tổ đội đoàn kết KTTS trên biển với 2.111 tàu tham gia. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng KTTS toàn tỉnh đạt trên 108.128 tấn, tăng 4,4 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương (CNĐD) ước đạt 5.700 tấn, tăng 10%. Hoạt động NTTS cũng đạt kết quả khả quan. Tổng diện tích mặt nước đưa vào NTTS là 2.646 ha, sản lượng thu hoạch gần 941 tấn (tôm nước lợ 910 tấn và thủy sản nước mặn gần 31 tấn). Giá trị sản xuất ngành thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 đạt 3.340,4 tỉ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy vậy, khách quan nhìn nhận, hoạt động KTTS và NTTS của tỉnh ta còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trên lĩnh vực KTTS, tại nhiều địa phương, tình trạng người dân hành nghề cấm và sử dụng chất nổ, xung điện xiếc máy vẫn còn diễn ra phổ biến. Việc này khiến nguồn lợi thủy sản trên các đầm phá, vùng biển ven bờ bị tận diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Tình trạng tàu cá của ngư dân tỉnh ta vi phạm lãnh hải nước ngoài bị bắt giữ xảy ra ngày càng nhiều; từ đầu năm đến nay, có 5 tàu cá cùng với 45 ngư dân ở các xã: Hoài Hương, Hoài Thanh (Hoài Nhơn); Cát Tiến, Cát Minh (Phù Cát)... bị nước ngoài bắt giữ.
Chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác được cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định, sản lượng CNĐD của tỉnh ta là rất lớn, nhưng do quy trình khai thác, xử lý, bảo quản lạc hậu, nên chất lượng cá ngừ thấp, công ty không thể mua với giá cao, giá trị xuất khẩu sản phẩm cá ngừ của công ty cũng bị hạn chế. Công ty đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai đề án thí điểm khai thác, thu mua, xuất khẩu CNĐD theo chuỗi, nhưng sản phẩm cá ngừ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu còn hạn chế.
Trên lĩnh vực NTTS, hạn chế dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức. Phần lớn hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh phát sinh gây hại vật nuôi. Hơn nữa, nguồn nước ngọt phục vụ NTTS không ổn định, nhiều vùng nuôi tôm bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng trong mùa nắng; hiện có 32,37 ha tôm nuôi bị dịch bệnh, nguy cơ lây lan ra diện rộng.
Tăng cường các giải pháp phát triển
Định hướng của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Trong đó, với hoạt động KTTS, tỉnh ta chủ trương hiện đại hóa đội tàu, giảm dần số lượng tàu cá công suất nhỏ, đầu tư nâng cao công suất tàu cá, hiện đại hóa các trang thiết bị khai thác và bảo đảm an toàn hàng hải. Đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm CNĐD; phấn đấu đến 2020, sản lượng cá ngừ đạt 11.000 tấn/năm, giảm tổn thất sản phẩm dưới 10%.
Lĩnh vực NTTS, tập trung bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của thủy sản vùng nước ven bờ, gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động KTTS bền vững, giữ gìn đa dạng sinh học. Quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghệ cao, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, nuôi trồng và chế biến thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, phấn đấu đảm bảo diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 760 ha, trong đó có 100 ha mặt nước nuôi tôm công nghệ cao.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT đã và đang đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo tinh thần QĐ 48/CP và NĐ 67/CP, tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá. Có 41 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh và ký hợp đồng đóng 35 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite. Đến nay có 15 tàu cá đóng mới của ngư dân TP Quy Nhơn, Hoài Nhơn đã hạ thủy, trong đó có 3 tàu đã đi vào hoạt động khai thác. Từ đầu năm đến nay, ngư dân trong tỉnh cũng đã đầu tư đóng mới và đưa vào sử dụng trên 150 tàu cá vỏ gỗ công suất lớn.
Trong thời gian đến, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục hướng dẫn ngư dân thành lập các tổ đội đoàn kết khai thác, đánh bắt trên biển. Đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng cá Đề Gi (Phù Cát), cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn) và các bến cá Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), Tân Phụng (Phù Mỹ). Đẩy mạnh chuyển giao quy trình khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm CNĐD theo kiểu Nhật Bản; phối hợp xúc tiến đầu tư, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sản phẩm CNĐD sang Nhật.
PHẠM TIẾN SỸ
Nguồn tin: Báo Bình Định, 12/07/2016