Mùa mưa năm nay thời tiết không diễn biến phức tạp như những năm trước, nên hoạt động đánh bắt thủy hải sản gặp nhiều thuận lợi. Tuy vậy, lợi nhuận từ khai thác thủy sản mang lại còn thấp, đầu ra nhiều mặt hàng còn bấp bênh, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ cho đánh bắt thủy sản còn yếu và thiếu…
Trúng đậm cá tôm
Vào thời điểm này, tại các cửa biển lớn ở Bạc Liêu như: Nhà Mát, Vĩnh Hậu, Cái Cùng, Gành Hào… nhiều tàu cá ra vào tấp nập. Anh Trần Văn Bửu, một chủ ghe (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) nói: "Năm nay, biển ít động hơn những năm trước, vì vậy việc đánh bắt thủy sản tương đối thuận lợi. Chỉ cần giá dầu ổn định thì ngư dân có lãi".
Tàu cập bến chuyển cá lên bờ (Cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải).Ảnh: P.Đ
Toàn tỉnh hiện có 1.307 tàu cá, trong đó tàu cá đánh bắt xa bờ là 525 chiếc (tổng công suất 165.570CV). Tranh thủ thời tiết thuận lợi, từ đầu năm đến nay, ngư dân Bạc Liêu đã khai thác, đánh bắt hơn 56.720 tấn hải sản các loại gồm: tôm 7.677 tấn, cá và thủy sản khác 49.045 tấn. Với sản lượng khai thác như trên, nghề cá Bạc Liêu đã đạt 52,52% kế hoạch và tăng 103,71% so với cùng kỳ.
Tùy theo từng loại hình đánh bắt mà hiệu quả khai thác cũng khác nhau, lợi nhuận cũng không giống nhau. Cụ thể như: nghề lưới rê chuyên đánh bắt cá cháy, cá chét lãi từ 8 - 15 triệu đồng/chuyến (5 - 6 ngày), hay nghề lưới đánh bắt tôm mẹ lãi từ 100 - 150 triệu đồng/chuyến (75 - 90 ngày), hoặc nghề lưới rê lãi từ 200 - 250 triệu đồng/chuyến…
Cần tiếp thêm nguồn lực
Bạc Liêu là tỉnh có thế mạnh về khai thác, đánh bắt thủy hải sản, nhưng lâu nay, phần lớn ngư dân phải chấp nhận cảnh ăn trước trả sau. Nghĩa là trước những chuyến ra khơi, nhiều chủ ghe phải ứng tiền của các vựa cá để mua xăng dầu, nước đá, trả tiền thuê mướn nhân công... Và sau những chuyến đi biển trở về, chủ ghe buộc phải bán cá với giá rẻ hơn cho chủ vựa.
Ngoài khó khăn về nguồn vốn lưu động phục vụ cho các chuyến đi biển, ngư dân còn có nhu cầu đóng mới phương tiện và đảm bảo đầu ra các mặt hàng thủy hải sản. Ông Mai Thành Học (thị trấn Gành Hào) cho biết: “Chi phí đầu tư cho từng chuyến đi biển rất lớn, vì thế chủ ghe rất cần vay vốn. Bên cạnh đó, việc trang bị ngư lưới cụ cũng gặp không ít khó khăn vì mọi thứ đều phải mua từ các tỉnh khác. Việc đóng mới tàu tại địa phương lại càng khó hơn, có khi phải sang tận Campuchia để mua gỗ. Sản phẩm thủy sản của ngư dân khai thác, đánh bắt cũng chỉ bán cho vựa, chứ chưa thể cung ứng trực tiếp cho các nhà máy chế biến”.
Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, nhận định: “Năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi, giá nhiên liệu giảm và giá các mặt hàng thủy sản ổn định nên ngư dân khai thác có hiệu quả. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy lợi thế kinh tế biển, huyện cần được đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để thúc đẩy khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Đó là mở rộng cảng cá, thúc đẩy công nghiệp chế biến thủy sản, đóng tàu... Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản ở địa phương để nâng cao giá trị các mặt hàng thủy hải sản”.
Phạm Đoàn
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 01/07/2016