Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất khô trên địa bàn tỉnh An Giang đang bước vào mùa làm ăn mới, chuẩn bị hàng bán Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do lũ nhỏ, diện tích nuôi thu hẹp nên lượng cá khan hiếm đã đẩy giá cá lóc, cá sặc bổi nguyên liệu tăng từ 15 – 20% so cùng kỳ.
Nguyên liệu tăng giá
Chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán các loại khô ra thị trường tăng không đáng kể nên nhiều hộ sản xuất khô đã chuyển sang làm nghề khác để sinh sống. “Suốt năm 2015, giá cá nguyên liệu để sản xuất khô cá lóc, cá sặc bổi đều tăng so với năm 2014. Nguyên nhân do trong 3 năm trước, người nuôi cá lóc, cá sặc bổi bị thua lỗ nặng, hết vốn nên không còn nuôi. Diện tích nuôi thu hẹp nên thị trường nguyên liệu trong năm luôn khan hiếm, các hộ sản xuất khô gặp khó khăn” - bà Lê Thị Mỹ Lệ, cơ sở sản xuất khô Mỹ Lệ (xã Khánh An, An Phú) thông tin.
Để tránh cho sàn khô có ruồi, các cơ sở đã phun rượu gạo cao độ lên khô
Cơ sở sản xuất khô Đức Phát là một trong 10 cơ sở sản xuất khô lớn ở xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu). Bình quân mỗi năm, cơ sở cần trên 10 tấn cá nguyên liệu các loại để sản xuất. Không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào nên việc ký các hợp đồng mua bán số lượng lớn không thể thực hiện được. “Cái khó của người sản xuất khô hiện nay là thiếu vốn, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào. Tình trạng phá giá lẫn nhau từ khâu mua nguyên liệu đến khâu bán sản phẩm thường xảy ra. Những cơ sở vừa nuôi, vừa chế biến thì không có bao nhiêu vì làm như vậy đòi hỏi phải có một số vốn rất lớn, trong khi đa phần các cơ sở sản xuất khô đều thiếu vốn để sản xuất. Muốn vay vốn ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp. Các hộ sản xuất khô thì muốn ngân hàng cho vay tín chấp nên vẫn chưa gặp nhau” - ông Trần Văn Đức, cơ sở sản xuất khô Đức Phát, chia sẻ.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều cơ sở đã ký hợp đồng với các đơn vị tiêu thụ theo phương thức linh hoạt, yêu cầu doanh nghiệp tiêu thụ phải ứng trước từ 30 – 50% số tiền trên đơn hàng để cơ sở tổ chức sản xuất, sau khi giao hết sản phẩm sẽ thanh toán dứt điểm số tiền còn lại. “Việc ký hợp đồng tiêu thụ, về mặt lý thuyết giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Song, thực tế thì các cơ sở ít ký được giá cao, vì người ứng tiền trước luôn đè giá” – anh Phạm Văn Chạy, cơ sở sản xuất khô Chợ Mới, thông tin.
Ưu tiên chất lượng
“Giá khô trên thị trường dù có tăng giảm như thế nào, chúng tôi vẫn giữ gìn chất lượng để không bị mất khách hàng. Cụ thể, không sử dụng hóa chất để tẩm vào khô nhằm diệt ruồi, chống ẩm mốc và khô ướp không mặn. Thị trường hiện nay đa phần sử dụng loại khô một nắng, sản phẩm ăn vừa thơm, vừa lạt nên được nhiều người ưa chuộng. Xu hướng khách ăn sành điệu, họ chọn khô nhỏ để ăn, vì đây là cá non, dinh dưỡng cao, thịt mềm, rất thơm, ngon. Nếu làm quà biếu, người ta mới chọn con khô lớn, tặng thấy sang trọng…” – bà Nguyễn Thùy Trang, cơ sở sản xuất khô Thoại Sơn, cho biết.
Khô một nắng được ưa chuộng nhiều
Hiện tại, để nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ khách hàng, các cơ sở sản xuất khô trong tỉnh chủ yếu sử dụng cá sống, đảm bảo tươi ngon khi sản xuất khô. Khi bắt cá còn sống, người làm khô sử dụng nước đá để giết cá, lúc đó máu cá còn đọng trong thịt, làm cho khô có độ ngọt, thơm hơn. “Trước đây, thời của ông bà mình, sản xuất khô cá lóc, cá bổi đa phần là làm từ cá chết nên thịt cá có khi bị bủn, con khô ăn không mấy gì ngon. Hiện nay, chúng tôi nghiên cứu làm khô từ cá còn sống. Quy trình sản xuất cũng khác hơn trước một chút. Khô bây giờ không có ướp đường để giữ vị cá tự nhiên. Quy trình sản xuất càng chân phương bao nhiêu thì người tiêu dùng càng thích ăn bấy nhiêu” – ông Lê Văn Nấm, xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), chia sẻ.
An toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những vấn đề được các cơ sở sản xuất khô trong tỉnh rất quan tâm. Nếu trước đây, để tránh cho khô bị ruồi đậu vào, người sản xuất dùng nhiều loại hóa chất để tẩm khô thì nay, bà con đã dùng rượu gạo cao độ để phun lên khô. Đây là một giải pháp kỹ thuật hay, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Làng khô trong tỉnh đang đứng trước thực tế giống như các doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra, basa. Nghĩa là vẫn mạnh ai nấy làm, rồi phá giá lẫn nhau. Số lượng cơ sở, hộ kinh doanh khô mỗi ngày một nhiều. Người ra sau bán phá giá người trước để lấy khách hàng. Do đó, đi vào con đường làm ăn hợp tác là điều cần phải làm đối với các làng khô trong tỉnh” – ông Trần Văn Nhỏ, chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc ở huyện Thoại Sơn, đề nghị.
MINH HIỂN
Nguồn tin: Báo An Giang, 27/11/2015