Tổng kim ngạch XK thủy sản tháng 10 đạt khoảng 604 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực như: Tôm, cá tra, cá ngừ, bạch tuộc đều có mức giảm lần lượt là 33%, 30%, 11% và 28%.Tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm ước đạt 5,45 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, quý III/2015, XK thủy sản tiếp tục có mức tăng trưởng âm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm, XK thủy sản cả nước đạt 4,8 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 10/2015, tình hình cũng không mấy khả quan, thậm chí giảm sâu hơn so với các tháng trước. Tổng kim ngạch XK thủy sản tháng 10 đạt khoảng 604 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ, bạch tuộc đều có mức giảm lần lượt là 33%, 30%, 11% và 28%.Tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm ước đạt 5,45 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm đạt khoảng 2,4 tỷ USD, giảm 28%, cá tra 1,3 tỷ USD, giảm 12%, cá ngừ 383 triệu USD, giảm 6%, mực bạch tuộc giảm 13% đạt 345 triệu USD. Chỉ có các mặt hàng cá biển khác tăng gần 4% đạt 863 triệu USD.
Về thị trường, trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch XK sản của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn đều giảm mạnh từ 6 - 26%. Trong đó thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, gần 27%, EU giảm 19% và Nhật Bản giảm 15%. Tuy nhiên, XK sang 2 thị trường ASEAN và Đài Loan tăng lần lượt 9,4% và 29%, có thể do sự chuyển hướng của DN thủy sản khi các thị trường lớn khó tiêu thụ.
Nguyên nhân khiến XK thủy sản giảm mạnh trong 10 tháng đầu năm được VASEP nhận định là do thị trường tiêu thụ kém và biến động tỷ giá tiền tệ khiến cho thủy sản Việt Nam bị cuốn trong vòng xoáy giảm giá trên thị trường thế giới suốt từ đầu năm đến nay.Làn sóng mất giá và thả nổi giá nội tệ so với USD ở các thị trường và các nước sản xuất chính khiến cho không chỉ XK tôm mà cả các mặt hàng khác khó cạnh tranh tại thị trường NK, nhất là thị trường Mỹ. Trong khi đó, nhà NK tìm cách ép giá, các nước đối thủ đẩy mạnh XK khiến cho XK cá tra vốn trong tình trạng kém sôi động từ 2 năm nay, lại thêm áp lực từ thuế chống bán phá giá giai đoạn POR10 và POR11 với mức thuế cao, nên không còn cơ hội để tăng trưởng trở lại.XK cá ngừ, mực, bạch tuộc và các mặt hàng hải sản khác đều giảm trước những khó khăn chung của thị trường thế giới.
Một doanh nghiệp XK thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thị trường tiêu thụ kém, giá bán hạ, áp lực chống bán phá giá và giá thành sản xuất cao đã tác động mạnh đến XK thủy sản. Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh, Euro và yên Nhật mất giá làm giảm nhu cầu nhập khẩu tại thị trường EU và Nhật Bản, tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường Mỹ, khiến doanh nghiệp XK bị ép giảm giá.
Trong 10 tháng, Việt Nam cũng đã nhập khẩu 914 triệu USD mặt hàng thủy sản, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Ấn Độ (chiếm 37,5% thị phần) tiếp đến là Đài Loan, Nauy, Nhật Bản và Hàn Quốc với thị phần lần lượt là 8,6%, 7,8%, 6,8% và 6,3%. Thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ là Hàn Quốc (66,2%) tiếp đến là thị trường Trung Quốc (tăng 56,2%). Thị trường có sự sụt giảm mạnh nhất so với cùng kỳ là thị trường Indonesia (giảm 41%).
Tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL trong tháng 10 vẫn không có nhiều biến động, giá giữ ở mức thấp và nhu cầu yếu. Tại Cần Thơ, nhu cầu cá tra nguyên liệu trong size 650 - 850 gr/con nhích lên một chút so với tháng trước, ở mức 19500 - 20000 đ/kg (trả chậm) so với 19200 - 19500 đ/kg của tháng trước. Tại Đồng Tháp, cá tra nguyên liệu trong size 700 gr/con ở mức 19400 - 19600 đ/kg (trả chậm) nhưng nhu cầu yếu. Tại An Giang, giá cá tra nguyên liệu size 700 gr/con ở mức 20000 - 20500 đ/kg (trả chậm). Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 10 biến động giảm đối với tôm sú và tăng với tôm thẻ chân trắng. Trong khi đó, giá tôm sú nguyên liệu các cỡ 20, 30 và 40 con/kg giảm 5000 đ/kg so với tháng trước, hiện ở mức 235000 đ/kg, 165000 đ/kg, 120000 đ/kg./.
Năm 2015, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 8 tỉ USD. Tuy nhiên, trước những khó khăn phải đối mặt, VASEP nhận định trong 2 tháng cuối năm sẽ chỉ tăng nhẹ so với đầu năm và vẫn thấp hơn 20 - 25% so với năm 2014. Với xu hướng tăng trưởng âm như hiện nay, dự báo tổng XK thủy sản năm 2015 sẽ đạt khoảng 6,6 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2014.
VASEP cũng dự báo, sự khó khăn của XK thủy sản không chỉ diễn ra trong 2 tháng cuối năm mà có thể kéo dài trong năm 2016, thậm chí sang năm 2017. Do đó, giải pháp đồng bộ về ngắn hạn và lâu dài để giữ ổn định tăng trưởng cho mặt hàng XK chủ lực này cần gấp rút được thực hiện.
VASEP cho rằng, cần xem xét điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này xuống dưới mức trần 7% như hiện nay, tăng hạn mức tín dụng và thời gian cho vay. Bên cạnh đó, ban hành giải pháp đồng bộ cho việc giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng chủ lực như tôm, bởi so với các nước XK tôm cạnh tranh với Việt Nam, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam hiện đang cao hơn khoảng 20%; quan tâm, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, linh hoạt và điều chỉnh phù hợp về chính sách thuế, thủ tục hải quan, tỷ giá hối đoái. Cơ quan quản lý cập nhật và thông báo kịp thời cho doanh nghiệp về các quy định, chính sách của Trung Quốc, nhất là vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm XK...
Thu Hiền