Năm 2015, xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm gần 20% so năm 2014. Tổng Thư ký Hội Chế biến thuỷ sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau (CASEP) Ngô Thành Lĩnh nhận định, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản giảm là do tình hình nuôi tôm ở các nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới không chỉ phục hồi mà còn tăng về cả sản lượng khiến cung vượt cầu.
Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu đạt thấp một phần do vi phạm các quy định an toàn thực phẩm vì nhiễm vi sinh, chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Tính từ đầu năm đến ngày 20/11, hàng xuất khẩu bị trả về, tái nhập đến 2.639 tấn, trị giá khoảng 23,41 triệu USD.
Nông dân ấp Lung Trường, xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi, áp dụng khoa học công nghệ nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Ngô Thành Lĩnh cho biết thêm, việc nhiều lô hàng bị trả về là đáng báo động. Nó làm ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại lớn về tài chính. Theo khảo sát, truy xuất nguyên nhân chính là nhiễm từ vùng nuôi như: con giống, thức ăn, các hoá chất phòng trị bệnh... Đây là yếu tố rủi ro ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Sở NN&PTNT cần phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, nghiêm cấm việc sử dụng các loại hoá chất, kháng sinh bị cấm, kiểm soát được vùng nuôi an toàn.
Trước những thực trạng trên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định, trong thời gian tới, sẽ kiểm soát chặt chẽ từ quy trình sản xuất đến chế biến đảm bảo vệ sinh, an toàn. Đặc biệt là dư lượng chất kháng sinh, chất bảo quản và tạp chất nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong chế biến, chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng, giảm tỷ lệ các sản phẩm sơ chế. Ðồng thời, đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến để nâng cao năng suất lao động. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP… tại 100% các cơ sở chế biến thuỷ sản. Tiến đến xây dựng thương hiệu “Tôm Cà Mau” và từng bước phân phối trực tiếp sản phẩm tôm đến các siêu thị tại các thị trường quốc tế không qua nhà nhập khẩu trung gian. Từ đó, giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống, mở rộng và phát triển các thị trường tiềm năng khác. Phấn đấu trong thời gian tới, cơ cấu thị trường EU khoảng 17%, thị trường Nhật Bản 20%, Mỹ 20%, còn lại là thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.
Chủ tịch Hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản tỉnh Cà Mau Ngô Văn Nga cho biết, xuất khẩu thuỷ sản đang đối mặt với hàng loạt cơ hội lẫn thử thách gay gắt. Đó là thị trường xuất khẩu tôm biến động khó lường và phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ mạnh hơn; sự gia tăng tranh chấp thương mại, vụ kiện chống bán phá giá tôm, chống trợ cấp, các rào cản kỹ thuật với những tiêu chuẩn khắt khe bất hợp lý tại các thị trường nhập khẩu lớn… Trên sân nhà, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với những thử thách: chi phí đầu vào tăng cao, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, chất lượng nguyên liệu chưa được kiểm soát và cạnh tranh đầu vào gay gắt, có lúc rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn.
Để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, Chính phủ, các bộ, ngành cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nông dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, quản lý chặt chẽ chất lượng, giá cả con giống, thức ăn, vật tư cho nuôi trồng thuỷ sản. Kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh, chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh trong quá trình sản xuất, kiểm tra nghiêm ngặt từng lô hàng chế biến trước khi xuất khẩu. Đặc biệt, ban hành các chế tài xử lý mạnh hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh ở những thị trường lớn như Mỹ và EU./.
Trúc Ly
Nguồn tin: Báo Cà Mau, 25/12/2015