Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2015 dự báo sẽ giảm từ 5 - 10% so với năm 2014 (kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2014 đạt 1,76 triệu USD). Đó là thông tin Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đưa ra tại Hội thảo "Nhận diện những thay đổi của thị trường xuất khẩu khi Việt Nam thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu" (gọi tắt là Hội thảo) do VCCI Cần Thơ tổ chức vào chiều 28-12.
Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, khi các FTA (nhất là TPP - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) được thực thi và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá tra nhập khẩu vào Mỹ (tháng 3-2016), ngành cá tra Việt Nam sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, ngành cá tra cần chiến lược chung để phát triển, như: đa dạng thị trường, giảm mức độ phụ thuộc chỉ vào một hoặc hai thị trường; thiếp lập ngưỡng tối thiểu và minh bạch thông tin về chất lượng sản phẩm; bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp; hợp tác, xây dựng, quảng bá thương hiệu…
Tại Hội thảo, khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu nông - thủy sản vùng ĐBSCL cũng được các diễn giả là chuyên gia đến từ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tổ chức chứng nhận NHO - Việt Nam cung cấp khá chi tiết một số tiêu chuẩn mới của các thị trường trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam, như: Hàn Quốc, Nhật bản, EU, Canada…; bài học, kinh nghiệm giải quyết bằng trọng tài thương mại từ những tranh chấp về thanh toán, hoàn trả hàng hóa, giao hàng, chất lượng hàng hóa… trong các hợp đồng thương mại. Đây là những vấn đề quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại quan trọng, tiêu biểu nhất là TPP, FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu và FTA Việt Nam - Hàn Quốc... Bởi bên cạnh những lợi ích, giúp đẩy mạnh giao thương giữa các nước, tham gia các FTA, doanh nghiệp ĐBSCL cũng như cả nước gặp nhiều thách thức khi các nước khác đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư và cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước; trong đó nổi lên là những vấn đề rào cản về chất lượng, sở hữu trí tuệ… ngày càng khó khăn hơn.
T.ĐẠT
Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 29/12/2015