Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK mực, bạch tuộc trong 7 tháng đầu năm nay đạt giá trị 2,55 triệu USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, XK mực, bạch tuộc sang Australia hiện chiếm một tỷ trọng nhỏ 1,2% nhưng mức tăng trưởng sang thị trường này lại đạt khá so với các thị trường NK trọng điểm của Việt Nam. Riêng tháng 7/2016, XK đạt giá trị 447 nghìn USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2015
Trong nửa đầu năm nay, Australia tăng cường NK nhuyễn thể chân đầu từ các nước, trong đó NK nhiều nhất là từ Trung Quốc, tiếp đến là Malaysia và Thái Lan. Nước này NK nhiều nhất là mực đông lạnh, tiếp đến là mực chế biến và bạch tuộc đông lạnh.
Giá trung bình NK mực đông lạnh của Australia trong 6 tháng đầu năm nay dao động 3,78 - 4,14 USD/kg. Giá trung bình mực đông lạnh của Việt Nam XK sang Australia ở mức cao so với 3 nhà cung cấp chính tại thị trường này.
Việt Nam hiện là 3 nhà cung cấp mực chế biến hàng đầu sang Australia. Giá mực chế biến của Việt Nam XK sang thị trường cũng cao hơn so với 2 nhà NK hàng đầu và giá NK trung bình của nước này nhưng với sản phẩm chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên mực chế biến của Việt Nam vẫn được đón nhận tại thị trường này.
Tuy nhiên, XK mực, bạch tuộc của Australia trong nửa đầu năm nay lại không được khả quan như NK. XK của nước này giảm so với 6 tháng đầu năm 2015. Mỹ là nước NK nhiều nhất nhuyễn thể chân đầu của Australia, tiếp đến Canada và Trung Quốc.
Australia sẽ thực hiện quy định mới về việc ghi nhãn xuất xứ. Theo đó, từ ngày 1/7/2016, hệ thống ghi nhãn nước xuất xứ mới sẽ được áp dụng theo Luật Người tiêu dùng của Australia (ACL). Luật này sẽ được áp dụng đối với các sản phẩm thực phẩm được bán lẻ tại Australia, bao gồm các sản phẩm được bán tại cửa hàng hay chợ, trên mạng hay tại các máy bán hàng tự động. Luật này sẽ không áp dụng đối với các thực phẩm được bán tại các địa điểm như các nhà hàng, quán cà phê, các cửa hàng bán đồ để mang đi (take-away), các trường học hay các căn tin. Tuy nhiên, các DN sẽ có 2 năm để bán hết các sản phẩm hiện tại và thay đổi nhãn mác của mình để phù hợp với quy định mới trước khi quy định này trở thành bắt buộc từ ngày 01/07/2018.
Theo hệ thống mới này, hầu hết các loại thực phẩm được sản xuất, nuôi, trồng hay chế biến tại Australia sẽ được yêu cầu dán nhãn với: (1) biểu tượng con kangaroo trong hình tam giác để người tiêu dùng có thể dễ dàng và nhanh chóng nhận biết các thực phẩm có nguồn gốc tại Australia, (2) một tuyên bố cho biết thực phẩm này được nuôi, trồng, sản xuất hay chế biến tại Australia; (3) tỷ lệ tối thiểu các thành phần có xuất xứ từ Australia trong tổng trọng lượng, chỉ rõ bằng số % hay biểu đồ cột. Quy định về dán nhãn sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại sản phẩm và việc sản phẩm này được nuôi, trồng, sản xuất, chế biến hay đóng gói tại Australia hay nước khác.
Đối với hầu hết thực phẩm NK (lương thực được nuôi, trồng, sản xuất, chế biến hay đóng gói tại nước khác ngoài Australia), nguồn gốc nước xuất xứ sẽ cần phải được quy định cụ thể trên nhãn dán trong một ô rõ ràng. Hiện tại, các sản phẩm thực phẩm được bán lẻ tại Australia phải tuân thủ các yêu cầu về việc dán nhãn nước xuất xứ được quy định trong Bộ tiêu chuẩn Thực Phẩm, được quản lý bởi Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Australia New Zealand. Các DN phải tiếp tục thực hiện luật này cho đến ngày 01/07/2018, trừ khi họ được chọn để tự áp dụng các tiêu chuẩn này trước đó. Luật mới này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới NK mực, bạch tuộc của nước này, tuy nhiên truwcs mắt luật này vẫn chưa thể tác động tới hoạt động NK của nước này.
Nguồn tin: vasep.com.vn