Tôm càng xanh là đối tượng nuôi gần đây mang lại hiệu quả kinh tế cao, nuôi tôm càng xanh toàn đực là một sáng kiến mới đã được áp dụng nhiều nơi, ưu điểm vượt trội so với nuôi tôm thẻ, tôm sú.
* Ưu điểm của nuôi tôm càng xanh so với nuôi tôm sú, tôm thẻ
- Tôm càng xanh thích hợp trong môi trường nước ngọt, hiện đã được thuần hóa để nuôi ở môi trường nước lợ và sinh trưởng tốt. Độ mặn lý tưởng để nuôi tôm càng xanh từ 4-6 phần ngàn.
- So với tôm thẻ, tôm sú thì tôm càng xanh dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh và thích nghi tốt với môi trường, nguồn nước.
- Ngoài ra tôm càng xanh còn có thể nuôi xen canh với lúa, tạo nên mô hình tôm lúa bền vững và có hiệu quả kinh tế cao.
* Tại sao lại chọn tôm càng xanh toàn đực
- Sinh trưởng của tôm đực và tôm cái gần như nhau cho tới khi đạt kích cỡ 35-40 gr, tôm đực sẽ lớn nhanh hơn và đạt trọng lượng gấp đôi trong cùng thời gian nuôi, chính vì thế chọn tôm càng xanh toàn đực để thả nuôi giúp tăng năng suất và tận dụng thức ăn tối đa.
* Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực
1. Chuẩn bị ao và cải tạo ao nuôi tôm càng xanh thương phẩm
- Giống như nuôi các thủy sản khác. Ao nuôi tôm càng xanh cần có hệ thống kênh cấp, thoát nước riêng biệt.
- Bờ ao gia cố kỹ để tránh thẩm thấu và sạt lở khi mưa bão, độ cao của bờ hơn mặt nước ao 50 cm trở lên.
- Mực nước ao nuôi cần duy trì từ 1,2 -1,5 m trong suốt vụ nuôi. Tiếp theo là bơm cạn ao, vét bùn đáy, vệ sinh xung quanh bờ ao, bón vôi và phơi nắng 3-4 ngày rồi lấy nước vào ao qua lưới lọc. Nên chuẩn bị ao lắng để thay nước, vì nuôi tôm càng xanh phải thay nước ao nuôi 2 lần/tháng để hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường
- Sau thời gian lấy nước vào từ 7- 10 ngày, lúc đó nước trong ao có màu xanh đọt chuối non chứng tỏ ao giàu dinh dưỡng, nhiều phiêu sinh vật thì thả tôm giống vào nuôi.
2. Chọn tôm càng xanh giống để thả nuôi
- Tôm giống có thể chọn từ nguồn giống tự nhiên và giống sản xuất nhân tạo. Tuy nhiên nên chọn giống nhân tạo để nuôi vì có nhiều ưu điểm hơn.
- Lựa những con tôm giống khỏe mạnh, bơi lội nhanh, đầy đủ phụ bộ nhất trong đàn tôm. Trong một bể tôm giống nên chọn những con giống có kích cỡ đồng đều, nếu chọn con post từ phải từ cỡ 12mm trở lên.
- Hiện nay về con giống tôm càng xanh toàn đực thì rất ít cơ sở sản xuất, nên trong năm 2016, Trung tâm Giống vật nuôi Sóc Trăng có liên kết với Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh An Giang sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực để cung ứng cho người nuôi.
3. Cho ăn
- Sau khi thả nuôi cần thường xuyên theo dõi hoạt động của tôm, nhất là vào ban đêm, do tôm có tập tính hoạt động mạnh về đêm.
- Nên cho ăn ngày 2 - 3 lần, thức ăn được rải đều khắp ao. Cho ăn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 30-40%, hoặc thức ăn tự chế như cua, ốc, cá vụn… Liều lượng thức ăn đưa vào sàng ăn từ 10 – 20 gr/kg thức ăn, kiểm tra sàng ăn nếu sàng hết thức ăn hoàn toàn thì cử cho ăn kế tiếp sẽ tăng dần lên.
- Hiện nay thức ăn cho tôm càng xanh chưa có trên thị trường nên bà con có thể sử dụng thức ăn nuôi tôm thẻ cho tôm càng xanh; nên cân kiểm tra trọng lượng tôm 2 lần/tháng để có hướng điều chỉnh thức ăn kịp thời.
4. Quản lý dịch bệnh
- Một số bệnh thường gặp trên tôm càng xanh là: bệnh đen mang, đốm nâu, đục cơ, đóng rong…
- Chất lượng nước xấu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm chậm lớn, phát sinh bệnh và hao hụt nhiều, do đó trong quá trình nuôi cần lưu ý đến quản lý cho ăn và thay nước là hai yếu tố quyết định thành công của vụ tôm.
- Có thể sử dụng các loại chế phẩm vi sinh để cải thiện môi trường nước làm vi khuẩn, tác nhân gây bệnh cho tôm, giúp tôm khỏe phát triển nhanh.