Mô hình nuôi tôm càng xanh xen lúa cho hiệu quả cao và bên vững, bên cạnh đó chi phí đầu tư cho mô hình này không cao nên khá phù hợp với nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, Bà con cần nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh bao gồm những phần như sau:
Chọn mùa vụ nuôi tôm càng xanh: tôm càng xanh sinh trưởng và phát triển mạnh trong môi trường có độ mặn dao động từ 2-12 0/00. Chọn thả giống vào tháng 7 dương lịch, khi đó độ mặn trong vuông khoảng 12 0/00, đây là thời điểm thích hợp để thả nuôi vì nếu thả giống trễ khoảng tháng 8 - 9 thì thời gian nuôi ngắn, khi thu hoạch kích cỡ tôm chưa đủ lớn bán không được giá cao.
Lựa chọn con giống:
- Chọn giống lúa: Nên chọn các loại giống có khả năng kháng rầy, có thể sạ hàng hoặc cấy để tạo điều kiện cho tôm dễ dàng lên tìm thức ăn.
- Chọn giống tôm càng xanh: chọn giống ở những trại cung cấp giống uy tín, con giống đồng đều, khỏe mạnh, phản xạ nhanh khi động mạnh vào nước.
Mật độ thả tôm càng xanh xen với lúa: Đối với mô hình nuôi kết hợp với lúa, để đảm bảo đủ thức ăn cho tôm càng xanh sinh trưởng và phát triển, bà con nên thả nuôi với mật độ từ 1 - 1,5 con/m2. Cỡ giống thả 3 - 5 cm.
Dèo tôm càng xanh giống trước khi chuyển ra vuông nuôi: Để tăng tỷ lệ sống do sốc khi thay đổi môi trường và các loài cá tạp có sẵn trong vuông bà con nên thả giống vào dèo tôm khoảng 10 - 15 ngày rồi mới thả ra ngoài vuông.
Các lưu ý trong quá trình ương tôm trong dèo:
- Đảm bảo mật độ tôm không quá 20 con/m2, xây dèo lớn hoặc nhỏ tùy thuộc vào số lượng giống thả nuôi.
- Ao dèo trước khi thả giống cần cải tạo ao kỹ: sên vét bùn đáy ao, bón vôi 15 - 20kg/1.000m2, bơm nước vào ao dèo qua màng lưới lọc để ngăn tôm, cá tạp bên ngoài theo nước vào ao. Sau đó dùng saponin với liều 20 kg/1.000m3 diệt cá tạp, kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước điều chỉnh vào khoảng thích hợp như pH 7,5 - 8,5, độ mặn 7 - 120/00, độ kiềm 80 - 170 mg CaCO3/lít.
- Trong ao dèo nên đặt các bó chà khắp vèo ao để tôm càng xanh có nơi trú ẩn vì đặc tính của tôm càng xanh ăn nhau rất dữ.
- Trong thời ương tôm càng xanh trong ao dèo, nên bổ sung thức ăn cho tôm càng xanh. Có thể cho tôm càng xanh ăn cá tạp có sẳn ở địa phương, cá được hấp chín, băm nhuyễn tạt đều khắp ao với liều 0,8 - 1 kg cho 10.000 con tôm càng xanh giống.
Chăm sóc và quản lý tôm càng xanh:
Để hạn chế tôm ăn lẫn nhau trong khi lột xác, cần chất chà làm chỗ cho tôm lột xác trú ẩn và sinh trưởng. Dùng các cành cây không có chất đắng, không bị mục thối như: trâm bầu, bằng lăng, tre, ổi … để làm chà. Cây làm chà được phơi khô cho rụng hết lá và bó thành từng bó nhỏ cắm trong mương với diện tích cắm không quá 1/3 diện tích mương bao.
Trong quá trình canh tác lúa, nên sử dụng các loại thuốc ít độc cho tôm, có thể sử dụng các loại thuốc vi sinh hoặc chế phẩm sinh học để trị bệnh cho lúa. Nếu buộc phải dùng thuốc hóa học, nên dồn tôm xuống mương bao, khoảng 2 - 3 ngày mới nâng nước cho tôm lên ruộng.
Mực nước trong ruộng phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của lúa. Khi lúa lớn đến đâu, nâng mực nước cao nhất có thể để tôm lên ruộng lúa tìm mồi.
Định kỳ thay nước vuông nuôi, từ tháng thứ 3 trở đi có thể thay 30 - 50 % lượng nước trong vuông 15 - 20 ngày/lần. Thay nước cần gắn liền với chu kỳ lột xác của tôm, để kích thức tôm lột đồng loạt, tránh hiện tượng tôm ăn nhau trong quá trình lột xác. Sau khi thay nước nên bón vôi CaC03 hoặc Dolomite với liều 10 - 15 kg/1.000 m3 nước để ổn định môi trường nước.
Định kỳ theo dõi các yếu tô môi trường nước, điều chỉnh vào khoảng thích hợp (pH: 6,5 - 8, kiềm: từ 80 - 120 ppm, độ mặn nhỏ hơn 10 0/00).
Sau khi thu hoạch lúa, nếu thấy tỷ lệ tôm cái mang trứng nhiều, kích cỡ tôm còn nhỏ, ngoài sông nước có độ mặn thì ta bơm vào vuông nuôi đạt độ mặn khoảng 9 - 10 0/00 cho tôm cái buông trứng; đồng thời để tôm lên trảng ăn những hạt lúa rơi rụng, kết hợp với bổ sung thêm thức ăn (thức ăn chủ yếu là ốc bươu vàng). Sau thời gian khoảng 20 ngày đến 01 tháng, tiến hành thu hoạch tôm có kích cỡ lớn hơn ./.
Nguồn tin: baclieu.gov.vn