Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt sao cho hiệu quả rất được quan tâm hiện nay vì có thể áp dụng gia tăng diện tích nuôi tôm mang lại giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng, vật nuôi khác.
Tuy nhiên việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nước ngọt thường thành công trong 2-3 vụ đầu tiên, các vụ tiếp theo thường thất bại, nguyên nhân chủ yếu là do lượng khoáng chất trong ao ngày càng ít dẫn đến xuất hiện bệnh mềm vỏ, vỏ xanh, tôm không đồng đều kích cở hay tình trạng tôm chết kéo dài trong suốt quá trình nuôi.
Khoáng chất rất cần thiết đối với tôm nuôi, chúng hấp thụ khoáng chất từ môi trường và thức ăn để có thể sinh trường và phát triển tốt. Tuy nhiên lượng khoáng chất trong ao nước ngọt lại rất thấp chỉ đủ trong các vụ nuôi đầu (do khoáng chất từ trong đất ao mới đào hòa vào nước nên các vụ đầu sẽ đáp ứng được lượng khoáng cho tôm).
Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt được trang trại của Chaiwat ở tỉnh Pathumi Thái Lan áp dụng:
1. Chuẩn bị ao nuôi:
- Sau mỗi vụ nuôi sẽ tiến hành dùng máy bừa để trải bùn ra khắp đáy ao, sau đó phơi ao cho đến khi bề mặt khô, quá trình này thông thường mất khoảng 1 tháng.
- Tiếp theo, dùng vôi Dolomite CaMg(CO3)2 rải đều ao để làm khoáng hóa đất cũng như tăng độ kiềm và ổn định pH.
* Xử lý nước ao chứa
- Vì trang trại nằm giữa cánh đồng lúa nên họ treo túi chứa 5 kg thuốc tím (KMnO4) ở đầu nguồn nước cấp vào ao chứa. Bằng cách này thuốc tím sẽ trung hòa các thuốc bảo vệ thực vật có trong nguồn nước. Tiếp theo, nước được để trong 3 ngày cho trứng của các loài động vật nở ra sau đó dùng thuốc diêt giáp xác và sát trùng ao.
- Sau đó, ao nuôi được cấp nước từ ao chứa thông qua nhiều lớp vải lọc có mắc lưới nhỏ. Nước này hoàn toàn sạch và không chứa các động vật trung gian mang mầm bệnh. Nên lấy nước ở tầng giữa của ao chứa để tránh bùn, khí độc và các vi khuẩn gây hại nằm ở đáy ao. Độ sâu cấp nước là 1m.
- Dùng xuồng có gắn các móc sắt di chuyển quanh ao 2 lần/ngày trong suốt 7 ngày để các móc sắt này cày lớp đất ở đáy ao nhằm giúp trộn vôi vào trong đáy ao: Việc này giúp khoáng hóa nền đất.
- Bón vi sinh đã được ủ lên men: Thành phần gồm: Bacillus, rỉ mật, hoa quả theo mùa và nước.
- Mở quạt nước ngay từ đầu để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh vật phù du ở trong ao.
- Trước khi thả giống, bón nước ót vào ao với liều lượng 8.000 lít/4000 m3nước ao.
2. Con giống
- Chọn con giống từ các nhà cung cấp uy tín, sẵn sàng bỏ giá cao để có được lô tôm giống đẹp chất lượng để thả nuôi.
- Mật độ thả (tôm sú): Tuân thủ nghiêm mật độ 35 con/m2
- Yêu cầu trại giống hạ độ mặn xuống còn 12-13‰ với mức giảm là 3-5‰/ngày.
- Làm 1 lồng bạt diện tích khoảng 220 m2 bằng cách dùng bạt quây một góc ao lại (hình 1), 3 ngày trước thả giống bón 7.000 lít nước ót nhằm nâng độ mặn trong lồng bạt lên 8-10‰.
Lồng bạt: Mép bạt cao hơn mực nước 30-40 cm
3. Thả giống
- Cho các bao giống nổi trên mặt nước để cân bằng nhiệt độ giữa bao giống và nước ao. Sau đó, mở miệng bao từ từ để cho nước ao trộn đều với nước trong bao giống. Chỉ thả giống vào lúc 7h sáng.
- Cho 200-300 con tôm vào lồng lưới nhỏ (kích thước: dài x rộng x cao: 40cm x 40cm x 60cm), sau 7 ngày thì đếm số tôm còn lại để xác định tỉ lệ sống. Dùng thức ăn công nghiệp cho ăn 3 lần/ngày với lượng 150g/100.000 con/ngày. Tăng lượng thức ăn 5-7% cho ngày tiếp theo.
- Sau 7 ngày, kéo 1 góc của lồng bạt xuống dưới mặt nước 30 cm, để nước của ao và lồng bạt hòa vào nhau. Sau 3 ngày, độ mặn trong lồng bạt hạ xuống 0‰, tiến hành tháo bỏ lồng.
4. Quản lý chặt chẽ việc cho ăn
- Sau khi tháo bỏ lồng bạt, lượng cho ăn bắt đầu là 1kg/100.000 con/ngày và dựa vào tỉ lệ sống đã xác định ở trên để đinh lượng thức ăn. Trong tuần đầu tiên lượng thức ăn tăng thêm mỗi ngày là 300 g. Thời gian cho ăn: 7h, 12h, 17h, 21h.
4.1. Mỗi bữa ăn đều phải trộn khoáng và vitamin C: vì tôm cần rất nhiều khoáng chất mà hàm lượng khoáng trong ao nước ngọt rất hạn chế. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng mềm vỏ và chết dần trong quá trình nuôi. Vitamin C giúp tôm tăng cường sức đề kháng.
4.2. Sử dụng sàng ăn: cho vào sàng với lượng 2-2.5g/kg thức ăn, cứ 1.500 m2 dùng 1 sàng, kiểm tra sàng sau 2 tiếng.
5. Quản lý môi trường nước
5.1. Sử dụng nước ót: Để cung cấp khoáng cho môi trường nước
+ Nước ót có độ mặn từ 120-150‰, nếu nước ót có độ mặn thấp hơn 100‰ thì vi khuẩn Vibrio vẫn còn tồn tại, nếu độ mặn cao hơn 160‰ thì muối sẽ bị kết tinh dẫn đến mất một số khoáng chất thiết yếu.
+ Sử dụng nước ót bất kỳ khi nào nếu phát hiện thấy dấu hiệu thiếu khoáng ở tôm như mềm vỏ, vỏ xanh, vỏ nổi trên bề mặt ao.
+ Sử dụng định kỳ:
- Lần thứ 1: Trước thả giống: 8.000 lít/4.000m3
- Lần thứ 2: Cho vào lồng bạt (trước thả giống): 7.000 lít/4.000m3
- Lần thứ 3: Cuối tháng thứ nhất: 10.000 lít/4.000m3
- Lần thứ 4: Cuối tháng thứ 2: 14.000 lít/4.000m3
- Lần thứ 5: Trước thu hoạch: 14.000 lít/4.000m3
+ Nước ót được bơm vào ao qua ống PVC được đục các lỗ nhỏ li ti và đặt ngay trước giàn quạt nhằm mục đích giúp nước ót hòa tan đều trong nước ao. Nếu không nước ót sẽ lắng xuống đáy ao và tôm sẽ chết.
5.2. Các chú ý khác
– Định kỳ đánh vi sinh đã ủ lên men với tần suất 1 tuần/lần
– Bổ sung 10 kg MgO/ha vào trước ngày trăng tròn 1 ngày để cung cấp khoáng: Vì vào thời điểm này tôm thường lột xác đồng loạt.
– Bón 25 kg K2O với tần suất 2 tuần/lần
– Cứ 10 ngày bón vào khu vực tập trung nhiều bùn 300 kg muối sống/ha để sát trùng đáy ao. Sau đó 2 ngày đánh men vi sinh.
– Bón vôi dolomite để duy trì độ kiềm > 120 ppm
– pH: Duy trì pH buổi sáng không thấp hơn 7.5 và buổi chiều không cao hơn 8.2, pH thấp thì tăng cường dùng vôi. pH cao thì tăng cường sử dụng vi sinh, hạn chế lượng cho ăn, tăng cường thay nước. Cắt tảo bằng vôi nóng CaO (liều lượng sử dụng 25kg/4000 m3 nước, đánh vào lúc 1h sáng liên tục trong 3 ngày sẽ thấy hiệu quả).
– Quạt nước: đảm bảo 1 HP cho 400 kg tôm, giám sát kỹ hàm lượng oxy hòa tan (DO) nhất là vào thời điểm từ 0h-5h sáng, đảm bảo DO luôn cao hơn 5 mg/l.
– Kiểm tra sức khỏe tôm: thời điểm tốt nhất là 2-5 giờ sáng, việc kiểm tra vào thời điểm này có thể giúp dự đoán vấn đề về sức khỏe tôm trong 2-3 ngày tiếp theo từ đó có các biện pháp phòng trừ thích hợp
6. Dịch bệnh
- Các ao nước ngọt nếu kiểm soát tốt chất lượng con giống đầu vào thì khả năng nhiễm một số bệnh thường gặp do Vibrio gây ra là rất thấp. Trong trường hợp của ChaiWat trang trại của anh không bị ảnh hưởng bởi dịch EMS, tỷ lệ vụ nuôi thất bại rất thấp (< 10%).
- Chaiwat đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình với 23 trang trại xung quanh và bây giờ những trang trại đó cũng hiếm khi gặp thua lỗ.
Nguồn tin: tomvang.com